Chào em,
Hạch có thể nổi ở nhiều vị trí trên cơ thể. Mỗi loại hạch có “tiếng nói” riêng mà chỉ bác sĩ (BS) chuyên môn mới có thể “nghe” chính xác.
Hạch lành tính
Hạch là một tổ chức lympho, nằm ở nhiều nơi như vùng cổ, vùng dưới hàm, trên xương đòn, khuỷu tay, nách, bẹn... và bình thường không sờ thấy. Tuy nhiên, khi cơ thể phải làm việc quá sức hoặc viêm nhiễm thì hạch sẽ nổi to. Đã có trường hợp nổi hạch ở bẹn, sau một thời gian làm cho chủ nhân căng thẳng lo lắng thì chúng... tự nhiên biến mất, không hề để lại dấu vết. Hạch có nhiệm vụ sản xuất kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh. Hạch ngoại biên “đóng đô” ở bẹn, cổ, nách, bụng... Chúng không biến mất mà chỉ nhỏ lại như cũ sau khi "hoàn thành nhiệm vụ"!
Hạch ác tính
\nCác loại bệnh ung thư như: ung thư máu, ung thư gan, ung thư mật đều có thể tấn công hệ thống hạch.
Hạch Hodgkin thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ, hạch xuất hiện ở hố thượng đòn trái, rồi lan lên cổ, ít lâu sau hạch nổi cả hai bên, nhưng bên trái vẫn to hơn. Sau đó, hạch nổi ở nách, trung thất. Đặc điểm của hạch là rắn, không đau, không dính vào da, không dính vào nhau. Bệnh nhân sốt từng đợt, mỗi lần sốt thì hạch to thêm hoặc xuất hiện một hạch khác. Nếu không điều trị người bệnh có thể tử vong.
Hạch còn nổi to do bị bệnh về máu như:
- Bệnh bạch cầu cấp: Hạch to, mềm, di động và nổi đồng loạt. Song song là hội chứng thiếu máu, hội chứng chảy máu dưới da, sốt cao. Làm huyết đồ thấy giảm dòng hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu tăng rất nhiều...
- Bệnh bạch cầu mạn thể lympho: Xuất hiện nhiều hạch nhỏ, nhưng chỉ vài tháng là chúng to lên. Làm huyết đồ và tủy đồ, hồng cầu và tiểu cầu giảm, dòng lympho tăng nhiều.
Khi cơ thể nổi hạch cần cảnh giác bệnh lý nhiễm trùng, bệnh lý hệ tạo máu, bệnh lý ung thư hay di căn từ cơ quan khác tới. Nhìn, sờ thì không thể xác định hạch thuộc loại “hiền” hay “dữ”. Phương tiện tốt nhất tầm soát hạch là siêu âm doppler hạch. Dựa trên hình ảnh siêu âm, BS sẽ nhận định hạch nghiêng về khả năng lành tính hay ác tính.
\nHạch lao
Lao hạch gồm có hai thể: thể ngoại biên như hạch cổ, hạch nách, hạch bẹn và thể nội tạng như thạch trung thất (hạch trong lồng ngực), hạch trong ổ bụng... trong đó thể ngoại biên thường gặp hơn. Nguyên nhân gây bệnh lao hạch chủ yếu là do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis. Tuy nhiên, ngày nay cùng với đại dịch AIDS, các trực khuẩn không điển hình gây lao hạch cũng thường gặp.
Về thể lao hạch ngoại biên, nhóm hạch cổ thường gặp nhất. Biểu hiện lâm sàng là hạch sưng to dần, xuất hiện tự nhiên, bệnh nhân nhiều khi không biết có từ lúc nào. Lúc đầu hạch sưng không đau, di động, mật độ chắc, sờ không nóng, da hạch không tấy đỏ. Giai đoạn sau, các hạch dính vào nhau và dính vào da cùng các tổ chức xung quanh làm hạn chế di động. Giai đoạn cuối cùng là hạch hoại tử, dò mủ ra ngoài, miệng lỗ dò tím và tạo thành sẹo nhăn nhúm không lành. Trong thể lao hạch nội tạng rất khó nhận biết, triệu chứng rất mơ hồ như thỉnh thoảng ho, đau bụng âm ỉ, ăn uống khó tiêu. Những trường hợp này bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị.
Tóm lại, nếu có triệu chứng nổi hạch mà không đáp ứng điều trị thông thường, em nên đi BS chuyên khoa khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, không nên chủ quan với những dấu hiệu lạ trên cơ thể em nhé.
Chúc em luôn khỏe mạnh!