Chào bạn,
Ù tai là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau và khá thông thường, báo hiệu một tổn thương nào đó trên đường dẫn truyền của cơ quan thính giác. Người ta ước tính có tới vài triệu người Mỹ mắc chứng ù tai tới mức ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Chứng ù tai là tiếng ồn hoặc tiếng kêu trong tai, không phải là 1 bệnh mà là 1 triệu chứng của 1 bệnh lý nào đó ví dụ như giảm thính lực, viêm tai giữa, chấn thương tai hoặc rối loạn hệ thống tuần hoàn. Nguyên nhân có thể do dáy tai lâu ngày bít chặt ống tai, hoặc do ngoáy tai chạm vào màng nhĩ… Ù tai khiến người bệnh có cảm giác nghe khó diễn đạt chính xác, khó so sánh với bất cứ một âm thanh nào: lúc như có tiếng nhạc, lúc thanh, lúc trầm, hoặc như tiếng ve kêu, tiếng vù vù, rì rào, phì phì, thình thình…
Những tiếng động nghe được có thể lớn hay nhỏ, cao hay thấp và có thể nghe một trong hai tai. Trong vài trường hợp, tiếng ù tai lớn đến nỗi bệnh nhân không nghe được tiếng động thực sự bên ngoài. Ráy tai quá nhiều cũng có thể làm bạn bị ù tai nhiều hơn. Ráy tai nhiều khiến bệnh nhân không nghe tiếng động thực sự bên ngoài và làm tiếng động “bên trong” lớn hơn.
Nguyên nhân gây bệnh ù tai
Trong rất nhiều ca bệnh, các quá trình sinh thần kinh tự nhiên dần dẫn tới quên tiếng ù tai, nhưng trong nhiều trường hợp khác, bị ù tai trở nên khó chịu, thậm chí là nặng nề tới không chịu đựng nổi. Y học hiện chưa tìm ra được cách khử ù tai thật chắc chắn, trừ trường hợp ta biết rõ nguyên nhân là chữa trị khỏi (ví dụ, cục ráy tai mà ta có thể lấy ra được) hoặc là rối loạn gắn liền với một bệnh cụ thể: huyết áp cao, rối loạn chuyển hóa hoặc nội tiết.
Ai cũng có thể bị ù tai, không phân biệt giới tính, môi trường xã hội hoặc tuổi tác. Nguyên nhân thông thường nhất là chấn thương do âm thanh, thường thấy do nghe nhạc tăng âm hoặc do phơi nhiễm liên tục với âm thanh cường độ hỗn loạn (máy nghe nhạc di động). Tiếp theo là các bệnh về mạch máu và từ tuổi tác. Còn có các nguyên nhân khác, nhưng hiếm hơn: ngộ độc một loại thuốc, bệnh đặc thù về ốc tai, u lành não… Ngoài ra các nguyên nhân khác như:
- Cảm lạnh gây viêm mũi – họng xuất tiết
- Viêm tắc vòi tai (vòi Eustachi), viêm tai giữa, viêm áp-xe amidan, đau răng số 8 hàm trên.
- Đi máy bay ở độ cao.
- Chấn thương sọ não, chấn động mạnh vào tai như tát mạnh.
- Mất máu nhiều, đột ngột, chóng mặt, hoa mắt.
- Quá trình lão hóa cơ quan thính giác, gây hiện tượng thoái hóa, xơ xốp, ù tai, nghễnh ngãng, điếc…
- Một số bệnh hiểm nghèo kèm theo như tiểu đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp hoặc các bệnh ung thư như ung thư vòm họng, ung thư sàng hàm, các khối u ở não.
- Dùng lâu dài các thuốc streptomycin, gentamyxin, quinin…
- Ù tai có thể do một số nguyên nhân không nguy hiểm như ống tai bị bít do ráy tai, nước… Song có một số vấn đề khác phức tạp hơn như nhiễm trùng, xơcứng chuỗi xương con trong tai.
Ù tai không chỉ thuộc chuyên khoa tai – mũi – họng, mà có liên quan đến nhiều chuyên khoa khác như tim mạch, nội tiết, chấn thương, ung bướu. Vì vậy, người bệnh cần được thăm khám tỉ mỉ để tìm nguyên nhân gây bệnh và kịp thời điều trị.
Cách điều trị bệnh ù tai
Ðiều quan trọng nhất là chữa nguyên nhân kịp thời và thích hợp, đặc biệt là những người bị ù tai không cân xứng giữa hai tai, hoặc chỉ bị ù một bên tai, hoặc bị ù tai liên tục.
Nếu bác sĩ chuyên khoa tai không tìm ra nguyên nhân của ù tai, một số phương pháp có thể giúp làm giảm ù tai, dù nhiều phương pháp chưa được chứng minh rõ ràng bằng các nghiên cứu khoa học. Một số trong số này có thể được tự thực hiện ở nhà một cách dễ dàng. Ví dụ như:
- Thể dục đều đặn, giúp cho máu đến vùng đầu cổ đầy đủ hơn
- Tránh rượu và những thứ có rượu, thuốc lá, chất caffeine, phó mát. Vì các thứ này có thể làm ù tai tệ hơn
- Ăn bớt mặn
- Nghỉ ngơi đầy đủ
- Tránh tiếng ồn
- Kiểm soát huyết áp đúng mức
- Thư giãn, ví dụ như tập dưỡng sinh
- Dùng các tiếng động nhẹ nhàng khác để “đè” tiếng ù, như nghe nhạc nhẹ, dùng tiếng quạt máy,… nhất là vào giờ đi ngủ
Trên đây là một sốcách mà ta có thể tự thực hiện. Các bác sĩ có thể dùng nhiều thuốc men hoặc một số phương pháp chuyên môn khác để giúp ta giảm hoặc khỏi ù tai. Các thuốc này cần toa cũng như cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ, mỗi trường hợp có thể hoàn toàn khác nhau và đòi hỏi thuốc men cũng như các phương pháp khác nhau. Cũng như trong các đại đa số các trường hợp bệnh tật khác, ta không nên “mượn” thuốc hoặc cho nhau thuốc, vì đôi khi điều đó có thể gây ra nhiều nguy hiểm nếu không dùng đúng thuốc trị đúng bệnh, và không được theo dõi cẩn thận bởi bác sĩ để kịp phát hiện và chữa trị các tác dụng phụ hoặc biến chứng của thuốc và của bệnh.
Để biết rõ hơn nguyên nhân bệnh và phương pháp điều trị đối với triệu chứng của bạn, bạn nên sắp xếp thời gian đến khám tại phòng khám của bác sĩ Phạm Kiên Hữu theo các thông tin như sau:
Phòng khám Tai mũi họng - GS.TS.BS. Phạm Kiên Hữu
Địa chỉ: số 118-120 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian khám bệnh: Thứ Hai - Thứ Bảy: 17:00 - 20:30
Phòng khám rất đông khách đến khám. Nếu bạn không muốn mất thời gian chờ đợi, vui lòng đặt lịch khám trên Finizz- trang web đặt lịch khám trực tuyến MIỄN PHÍ, nhanh chóng và tiện lợi nhất hiện nay.
Cảm ơn bạn đã sử dụng dịch vụ của Finizz.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.