Bị chảy máu cam thì có nghiêm trọng không

Chào Finizz, khong biết dạo này do thay đổi thời tiết hay sao mà toi lại bị chảy máu cam. Lần đầu tiên toi bị như thế. Công việc của tôi thì vẫn vậy, trước giờ tôi vẫn làm việc với cường độ nhiều như vậy nhưng chưa thấy có dấu hiệu sức khỏe nào khác. Tôi bị chảy máu cam, sau đó nằm ngửa ra là hết. Nhưng mấy ngày sau tôi lại bị một lần nữa. Không biết có nghiêm trọng gì không ạ? Tôi nên làm sao thưa Finizz.

Phạm Thanh Trí

(2017/04/24 12:49)

Chào bạn, 

Sau đây là lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa II Tai mũi họng Nguyễn Anh Tuấn dành cho bạn:

Chảy máu cam là triệu chứng hay gặp nhất trong các bệnh lý tai mũi họng, xảy ra ở khoảng 60% người trưởng thành trong đó có 6 – 10% trường hợp cần được xử trí tại bệnh viện.

Nguyên nhân chảy máu cam: Có rất nhiều nguyên nhân gây chảy máu cam, có cả do tại chỗ hoặc do bệnh toàn thân.

- Tại chỗ: do viêm nhiễm như viêm mũi cấp, viêm mũi mãn, viêm mũi do vi khuẩn, viêm mũi virút; viêm xoang cấp; viêm mũi vận mạch; viêm mũi dị ứng… Do chấn thương vì ngoáy mũi hoặc dị vật lọt vào mũi (thường gặp ở trẻ em); sỏi mũi ở cả người lớn và trẻ em; sang thương gây loét hốc mũi thường gặp ở công nhân ngành hoá chất khi bảo hộ chưa tốt, do lao, giang mai hoặc bệnh phong (hủi). Do cấu trúc bất thường ở hốc mũi như vẹo hoặc gai của vách ngăn mũi… Do khối u: lành tính như u xơ vòm mũi họng, u do nấm và u ác tính như ung thư vòm họng, u hốc mũi, u xoang, u sàn sọ…

- Nguyên nhân toàn thân như bệnh toàn thân cấp tính gây rối loạn đông cầm máu ban đầu như cúm, sởi nặng, sốt tinh hồng nhiệt, sốt xuất huyết, sốt rét… Bệnh của hệ tim mạch như cao huyết áp; vỡ các phình mạch của hệ mạch máu động mạch cảnh; bệnh xơ vữa động mạch. Bệnh của hệ máu gặp ở những người có thể trạng thiếu máu nặng, nhiễm trùng nhiễm độc, thiếu vitamin. Bệnh bạch cầu cấp; suy tuỷ; giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân, rối loạn chất lượng tiểu cầu, và những bệnh thuộc về mạch máu như bệnh ưa chảy máu.

- Một số nguyên nhân khác như sự thay đổi nội tiết trong cơ thể ở người có thai, có kinh nguyệt hoặc dùng corticoide xịt mũi kéo dài không đúng chỉ định, dùng thuốc chống đông; do thay đổi áp lực của khí quyển, thay đổi thời tiết… Còn lại khoảng 5% không tìm được nguyên nhân (vô căn), thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên, chảy máu tự nhiên số lượng ít tái diễn nhiều lần và hay gặp khi làm việc gắng sức hoặc đi ngoài nắng quá lâu.

Những trường hợp nhẹ thì không cần nhập viện, thường chỉ cần dùng ngón cái cùng bên ấn nhẹ bên cánh mũi chảy máu, giữ trong 5 – 10 phút, trong khi đầu để thẳng.

Làm gì khi chảy máu cam?

Trước hết, cần phải tránh các hoạt động mạnh. Tốt hơn cả là bạn hơi nghiêng đầu về phía trước, không nên cúi hẳn đầu. Đối với nhiều người, đây có vẻ là một lời khuyên hơi bất thường, bởi đầu thường phải ngẩng cao. Tuy nhiên, nếu bạn làm như thế có nghĩa là bạn đang cản trở đường ra của máu. Máu sẽ chảy men theo yết hầu vào dạ dày và có thể gây ra nôn mửa khi máu chảy vào nhiều.

Nếu bị chảy máu cam ở nhà, bạn cần phải thực hiện từng bước như sau:

– Hơi nghiêng đầu về phía trước. Bạn cần phải ngồi xuống hoặc ở tư thế nửa đứng nửa ngồi, dùng ngón cái ấn thật chặt hai cánh mũi. Cần phải ngồi khoảng 5 – 10 phút trong tư thế này. Tốt nhất là nên đặt ở gốc mũi một cái gì đó lạnh: 1 cốc kem, hoặc một viên đá lạnh. Như thế máu sẽ ngừng chảy.

– Nếu máu vẫn tiếp tục chảy, thậm chí là chảy rất ít, bạn nên dùng một tấm bông gòn dài khoảng 2 – 3cm đặt vào mũi. Bông gòn cần phải được tẩm ướt. Khi đặt bông gòn vào, bạn vẫn cần phải dùng ngón tay cái ấn chặt vào hai cánh mũi để niêm mạc mũi tiếp xúc với bông. Sau khi máu ngừng chảy, trong mũi sẽ có một cục máu đông nhỏ. Để không gây hại cho mũi, cần phải lấy bông gòn ra khỏi mũi thật cẩn thận. Tốt nhất là nên lấy sau 1 – 1,5h.

– Nếu sau khi lấy bông gòn ra, mũi tiếp tục chảy máu, khi đó, bạn nên đến bác sỹ vì đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh.

Thông thường, hiện tượng chảy máu cam là do bị một cái gì đó tác động vào. Tuy nhiên theo các thống kê gần đây, bệnh này thường gắn với bệnh cao huyết áp. Huyết áp cao thì thành động mạch không thể “chịu được” và sẽ mất soát. Trong trường hợp này, máu sẽ chảy không ngừng cho đến khi huyết áp ổn định. Đối với những người bị cao huyết áp, cách xử lý bệnh chảy máu mũi rất đơn giản, vì có nhiều loại thuốc giúp người cao huyết áp bình ổn lại huyết áp.

Những người mắc bệnh khoang mũi cũng thường bị chảy máu cam.

Nếu bị chảy máu cam thường xuyên, bạn cần xin lời khuyên của bác sỹ. Để ngăn ngừa hiện tượng này, bạn nên bổ xung vitamin C và K. Tuy nhiên, các loại vitamin này chỉ có tác dụng ngăn ngừa chảy máu cam thông thường.

Trường hợp của bạn cũng không có gì quá nghiêm trọng nên bạn cũng không cần quá lo lắng. Bạn nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lí để cơ thể thêm khỏe mạnh. Trong trường hợp tình trạng này không có gì cải thiện, bạn có thể đến khám tại phòng mạch Tai mũi họng của bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Phòng khám Tai mũi họng - BS.CKII. Nguyễn Anh Tuấn

Địa chỉ: số 1464 đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Số điện thoại: 08 3785 1059
Thời gian khám bệnh: Thứ Hai - Chủ Nhật: 17:00 - 20:00

Phòng khám rất đông khách đến khám. Nếu bạn không muốn mất thời gian chờ đợi, vui lòng đặt lịch khám trên Finizz- trang web đặt lịch khám trực tuyến MIỄN PHÍ, nhanh chóng và tiện lợi nhất hiện nay. 

Cảm ơn bạn đã sử dụng dịch vụ của Finizz.
Chúc bạn nhiều sức khỏe.

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan