Chào bạn,
Bất cứ ai bị cũng có thể stress vì công việc. Sức ép công việc ngày càng lớn, đòi hỏi trong công việc ngày càng cao, hơn nữa tìm được một công việc ngày càng khó... những vấn đề này dường như ai cũng gặp phải trong suốt quá trình làm việc của mình.
Hơn thế, trong những ngành nghề đòi hỏi cao như ngành y, công nghệ, kinh doanh... nhân viên luôn phải phấn đấu để hoàn thiện mình, để giữ vững được vị trí và để thăng tiến. Những người làm việc trong lĩnh vực này có nguy cơ mắc bệnh stress cao hơn so những lĩnh vực khác.
Nhận biết dấu hiệu của bệnh
Làm sao để biết được khi nào là mệt mỏi thông thường và khi nào mệt mỏi cảnh báo bệnh stress. Những dấu hiệu dưới đây giúp bạn nhận biết được căn bệnh này:
- Hay mệt mỏi và thường rất khó dậy vào buổi sáng.
- Có cảm giác ngày càng phải làm việc nhiều trong khi kết quả ngày càng tồi tệ.
- Có cảm giác rằng những nỗ lực trong công việc của mình không được mọi người chú ý.
- Thỉnh thoảng quên những cuộc hẹn.
- Hay cáu giận
- Ít gặp người thân và bạn bè thân thiết
Không phải ai cũng có đầy đủ những dấu hiệu này. Điều quan trọng là chúng ta hãy biết lắng nghe cơ thể mình.
Cách giảm stress hiệu quả:
- Chăm sóc tốt cho bản thân:
Khi stress làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe bạn, đến lúc bạn phải ngăn chặn nó rồi. Hãy quan tâm tới mình nhiều hơn nữa bằng cách thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lí. Nếu công việc của bạn chỉ cần ngồi một chỗ, tốt nhất hãy tham gia các hoạt động thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe. Ngủ đúng giờ, và đủ giấc 8 tiếng/ ngày vì ngủ không đủ giấc có khi làm tăng nguy cơ stress cho bạn hơn. Thông thường, bạn nghĩ rằng uống rượu, hút thuốc hay uống thuốc an thần sẽ giảm stress hơn, nhưng thật chất, sử dụng một thời gian dài, bạn sẽ bị nghiện và lệ thuộc vào những thứ này nhiều hơn. Nếu không có chúng thì bạn khó chịu còn hơn bị stress đấy.
- Sắp xếp lại công việc:
Một trong những nguy cơ dẫn đến stress trong công việc của bạn chính là mức độ công việc dày đặc bạn phải làm. Bạn luôn căng thẳng, lo lắng nghĩ đến hạn chót phải thực hiện xong xuôi nhiệm vụ được giao. Lúc này, bạn cần phải sắp xếp lại công việc hợp lí hơn bằng cách phân biệt ra rõ cái nào nên làm trước, cái nào nên làm sau, theo thứ bậc quan trọng. Bạn bị stress cũng do ôm đồm quá nhiều thứ, hãy đừng tự một mình làm mà hãy san sẻ trách nhiệm cho người khác. Dù công việc có bận rộn thế nào thì cũng hãy dành thời gian ra nghỉ ngơi để thanh lọc đầu óc.
- Xóa bỏ những thói quen xấu:
Với những suy nghĩ và cách hành xử tiêu cực của mình, bạn có thể làm tình trạng stress trở nên trầm trọng hơn. Do vậy, đừng để đầu óc bạn bị bế tắc trong những suy nghĩ theo chiều hướng xấu, hãy tích cực lên. Cũng đừng gắn đặt mục tiêu làm việc của bạn với chữ “hoàn hảo”, mà hãy làm tốt nhất có thể. Một việc quan trọng khác để bạn lên dây cót tinh thần cho mình chính là trang hoàng lại góc làm việc một cách sảng sủa. bàn làm việc gọn gàng, sạch sẽ bao giờ cũng tạo hứng thú làm việc cả. Do vậy, hãy tập thói quen sạch sẽ từ bây giờ.
- Trò chuyện với đồng nghiệp:
Bạn bị stress và bạn luôn cáu kỉnh với mọi người. Tuy nhiên, cũng chính vì bạn bị stress mà bạn nên nói chuyện với nhiều người hơn, đặc biệt với đồng nghiệp và cấp trên của bạn về những khó khăn bạn phải trải qua. Có khi, họ chia sẻ cho bạn những kinh nghiệm để vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần này cũng nên. Sau khi đã hiểu nhau rồi thì sẽ dễ dàng thông cảm với nhau hơn. Hãy nhớ là dùng khiếu hài hước của mình để mọi người cùng thoải mái và giảm độ căng thẳng khi làm việc nhé.
- BS. Phan Thị Phương Quỳnh -
Cảm ơn bạn đã sử dụng dịch vụ của Finizz.
Chúc bạn nhiều sức khỏe.