10 dấu hiệu báo động bệnh ung thư

Tác giả: Lê Thị Mỹ Nhung. Ngày đăng: 29-05-2014

Vì ung thư có rất nhiều loại nên các triệu chứng có thể rất khác nhau giữa từng bệnh cũng như giữa từng người. Tuy nhiên, có thể dễ dàng xác định được khoảng 10 triệu chứng “báo động đỏ” của ung thư cần được để ý và đi khám ngay lập tức.

Vì ung thư có rất nhiều loại nên các triệu chứng có thể rất khác nhau giữa từng bệnh cũng như giữa từng người. Tuy nhiên, có thể dễ dàng xác định được khoảng 10 triệu chứng “báo động đỏ” của ung thư cần được để ý và đi khám ngay lập tức.

1. Sút cân không rõ lý do

Bạn không làm việc hay tập luyện vất vả hơn trước, bạn cũng không ăn kiêng và vẫn ăn nhiều như mọi khi, vậy mà vẫn bị sụt cân đáng kể, ví dụ 4 hay 5kg trong vòng một tháng. Sụt cân không rõ nguyên nhân theo kiểu này nhất thiết không được coi thường. Nó có thể là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng hoặc các bộ phận khác của đường tiêu hóa.

Bạn nên đi khám bác sỹ và mô tả càng chi tiết càng tốt về thời gian bắt đầu bị sụt cân và đã bị sụt mất bao nhiêu cân. Bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm để loại trừ bệnh của tuyến giáp và đề nghị bạn đi chụp CT để xem xét các cơ quan bên trong.

2. Chướng bụng

Chướng bụng là tình trạng mà hầu như ai cũng từng mắc trong đời, do kinh nguyệt, do giữ nước hoặc do khó tiêu. Nếu bắt đầu bị chướng bụng bất thường và không liên quan với chu kỳ kinh nguyệt, thì cần chú ý sát sao tới những gì đang xảy ra. Chướng bụng có đến mức không thể mặc vừa quần áo? Có xảy ra đột ngột và hiện giờ diễn ra thường xuyên đã vài tuần? Có đi kèm với đau hoặc sưng ở bụng hoặc vùng chậu không? Bạn có thấy đầy bụng và không ăn được, cho dù trước đây không ăn nhiều? Tất cả những dấu hiệu này đều được biết là hay xảy ra ở phụ nữ bị ung thư buồng trứng. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào như trên, nên đi khám để các bác sĩ kiểm tra buồng trứng vì loại ung thư này rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu có thể phát hiện sớm thì cơ hội có kết quả điều trị tốt sẽ cao hơn.

3. Chảy máu bất thường

Mọi hiện tượng ra máu bất thường ngoài chu kỳ “đèn đỏ” quen thuộc đều cần được quan tâm. Bạn cần hiểu rõ về cơ thể cũng như chu kỳ của mình để biết khi nào sẽ đến kỳ đèn đỏ, bạn sẽ mất bao nhiêu máu và sẽ cảm thấy thế nào. Về cơ bản, không nên bỏ qua bất cứ tình trạng ra máu bất thường nào ngoài kỳ đèn đỏ. Ví dụ, nếu chu kỳ của bạn vốn dĩ rất đều, nhưng đột nhiên trở nên lộn xộn, hoặc chu kỳ thông thường rất nhẹ nhàng, nhưng đột nhiên có những kỳ bạn mất rất nhiều máu và rất đau, thì đó là những bất thường cần đi khám. Những triệu chứng khác có thể đi kèm với tình trạng ra máu bất thường là khí hư có mùi khó chịu, ra máu sau khi quan hệ hoặc có máu trong nước tiểu. Tất cả những dạng chảy máu bất thường này đều cần được kiểm tra vì chúng có thể là những dấu hiệu của ung thư cổ tử cung hoặc ung thư tiết niệu.


Chảy máu cũng có thể bắt nguồn từ đường tiêu hóa hoặc các phần của hệ tiết niệu, như bàng quang hoặc thận. Nếu thấy có máu trong nước tiểu hoặc trong phân, thì có thể do nhiều nguyên nhân, như bệnh trĩ, hoặc máu từ âm đạo, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của ung thư bàng quang, thận hoặc đại trực tràng, vì thế nên đi khám bác sĩ để loại trừ.

Ung thư bàng quang, thận hoặc đại tràng cũng có thể gây ra những triệu chứng như thay đổi về đại tiểu tiện. Nên chú ý nếu thấy có dấu hiệu hoạt động bất thường của ruột và bàng quang, như táo bón, tiêu chảy hoặc đau bụng liên tục. Đi tiểu nhiều lần hơn, hoặc đau trong khi đi tiểu hay đi ngoài, cũng là những dấu hiệu cần để ý.

Cuối cùng, nếu ho ra máu quá một lần, bạn cần đi khám ngay.

4. Thay đổi ở ngực

Mọi người phụ nữ đều cần biết rõ về bộ ngực của mình và cần tự kiểm tra ít nhất một lần mỗi tháng để phát hiện những u cục hoặc những thay đổi khác trong mô vú, trên bề mặt da cũng như trên và xung quanh núm vú. Cần đi khám ngay nếu thấy da trên vú đỏ và dày vì đây có thể là dấu hiệu của ung thư vú dạng viêm, là dạng ung thư vú rất hiếm gặp nhưng rất ác tính. Da nổi ban đỏ, bong vảy hoặc ngứa kéo dài vài tuần cũng cần được kiểm tra. Những thay đổi trên bề mặt da cũng bao gồm sưng, lõm (lúm đồng tiền), nhăm nhúm hoặc những nốt sần sùi. Cũng cần quan sát đầu núm vú và tìm những thay đổi bất thường về hình thức. Nếu núm vú đột nhiên tiết dịch (khi không nuôi con bú), bị bẹt ra, nhô lên hoặc tụt xuống (ngược với bình thường), thì tốt nhất là đi khám bác sĩ chuyên khoa phụ sản ngay.

5. Thay đổi ở da

Những thay đổi về kết cấu da, mụn cơm, nốt ruồi hoặc sạm nám, đều có thể là những dấu hiệu của ung thư da. U hắc tố là loại ung thư da phổ biến và có triệu chứng giống như những nốt trên da thay đổi bất thường về màu sắc, kích thước, hình dạng hoặc bờ mép. Nếu có một số nốt trên da trông có vẻ “buồn cười” hoặc khác với màu da bình thường thì nên đi khám. Cũng cần để ý những thay đổi của nốt ruồi hoặc mụn cơm, như to nhanh hơn, mọc lông, thay đổi về màu sắc hoặc hình dạng. Cảnh giác nếu đột ngột bị chảy máu ở da hoặc bong vảy quá nhiều. Hãy quan sát những thay đổi này trong một hai tuần và nếu vẫn không thấy cải thiện thì nên đi khám.

6. Nuốt khó và thường xuyên bị khó tiêu

Nếu thấy rất khó nuốt thức ăn và có cảm giác như thức ăn luôn mắc ở cổ họng mỗi khi ăn, thì cần cảnh giác, vì đây có thể là triệu chứng của ung thư thực quản hoặc ung thư họng. Khó tiêu liên tục, không liên quan tới thai nghén hoặc những lý do rõ ràng khác, cũng là dấu hiệu báo động. Nếu thường xuyên cảm thấy buồn nôn, khó chịu hoặc cảm giác nóng ở vùng bụng trên, hoặc nôn ra máu, thì đó là những dấu hiệu sớm của ung thư thực quản, dạ dày hoặc ung thư họng.

7. Đau, sốt hoặc ho dai dẳng

Đây là 3 triệu chứng phổ biến và mơ hồ nhất gặp trong rất nhiều bệnh. Cực kỳ khó biết được chúng là do ung thư hay là do một bệnh nào khác, nhưng cũng không được coi thường. Đau không rõ nguyên nhân, dù ở chỗ nào của cơ thể, cũng có thể là dấu hiệu của ung thư. Nếu đau dai dẳng qua một thời gian, và không thể lý giải được bằng vết thương hay bệnh nào khác, thì cần đi khám bác sĩ và mô tả tình trạng đau càng cụ thể càng tốt. Hãy để ý thời gian đau xuất hiện, kiểu đau và điều gì làm đau trầm trọng thêm.

Sốt thường là dấu hiệu của một nhiễm trùng, như cúm, nhiễm vi rút và nhiễm khuẩn, nhưng nó cũng có thể báo hiệu một số loại ung thư. Hội Ung thư Mỹ cho biết sốt là một trong những triệu chứng xảy ra với ung thư máu giai đoạn sớm như bệnh bạch cầu hoặc bệnh lympho. Tất nhiên là không cần chạy ngay đến chỗ bác sĩ mỗi khi bị sốt. Điểm quan trọng là nếu sốt kéo dài và không giải thích được thì cần đi khám, chứ không được bỏ qua.

Ho kéo dài (quá 3 hoặc 4 tuần) không liên quan tới cảm lạnh hay cúm, cũng cần được để ý. Nếu nghi ngờ ung thư phổi, nhất là ở người nghiện thuốc lá, bác sĩ sẽ khám họng, kiểm tra chức năng phổi và yêu cầu chụp X quang.

8. Sưng hạch

Hạch lym pho nằm ở cổ, nách và bẹn. Thông thường các hạch này có thể hơi to nếu bị nhiễm trùng và sẽ nhỏ đi khi nhiễm trùng được điều trị hoặc khỏi hẳn. Tuy nhiên, nếu hạch vẫn to dần lên trong hơn 1 tháng, hoặc tạo thành những khối không hết hẳn và không liên quan tới nhiễm trùng, thì nên cảnh giác với khả năng ung thư, như ung thư máu và ung thư hạch.

9. Thay đổi và loét ở miệng

Nếu có hút hoặc sử dụng thuốc lá, thì nên để ý các dấu hiệu của ung thư miệng. Triệu chứng bao gồm những mảng trắng ở niêm mạc miệng, những chấm trắng trên lưỡi, hoặc mụn loét trên môi hoặc trong miệng. những nốt loét ở da và vùng sinh dục không liền, hoặc gây bầm tím hay chảy nhiều máu, cần được bác sĩ kiểm tra.

10. Mệt mỏi và suy nhược

Cuối cùng, triệu chứng tiềm ẩn của bệnh ung thư nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất chính là mệt mỏi. Mệt mỏi là triệu chứng quá thường gặp trong rất nhiều tình trạng đến mức không thể kết luận rằng đó là do ung thư gây ra. Tuy nhiên, mệt mỏi do ung thư có lẽ sẽ không giống với sự mệt mỏi sau một ngày làm việc. Nó khiến bạn cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ hoặc không hề gắng sức chút nào. Mệt mỏi kéo dài, không hết khi nghỉ ngơi và có thể đi kèm với tình trạng suy nhược không giải thích được.

Tất cả 10 triệu chứng và dấu hiệu đượcmô tả ở trên đều là những chỉ báo khó thấy và mơ hồ về một bất ổn nào đó. Không dễ phân biệt các triệu chứng của ung thư và không nên hoảng hốt chỉ vì đột ngột có một cái nốt ruồi ở cánh tay hay cảm giác mệt mỏi đôi chút. Chỉ cần nhớ rằng nếu những triệu chứng này tồn tại dai dẳng hoặc xuất hiện mà không vì một lý do nào, thì cần bày tỏ mối băn khoăn của mình với bác sĩ. Có thể đó chỉ là nỗi lo lắng vô ích, nhưng đó cũng có thể là cách cứu sống tính mạng của bạn.

 

Cùng chuyên mục

Dau 20chan 20sung 20khop.jpg

Đau khớp, nhức chân là than phiền thông thường hay có ở trẻ em tuổi đi học (5-7 tuổi) sau một ngày chạy nhảy, vận động nhiều hoặc có té ngã.

Các mẹ cần biết

- 25/09/2017

Nuoc dua tot cho suc khoe cua be hinh ava

Nước giải khát mùa hè mà nhiều người sẽ nghĩ đến đầu tiên đó là nước dừa tươi. Một trong những đồ uống vừa rẻ, vừa ngon, được bán rộng rãi nữa. Không chỉ vậy, nước dừa tươi còn rất tốt cho bé nữa đấy.

Các mẹ cần biết

- 25/09/2017

2 d6330.jpg

Sau tuổi 40, trên thành động mạch cảnh của con người thường xuất hiện các mảng bám giống như giống sáp ong làm tắc nghẽn thành mạch. Điều này gây ảnh hưởng không tốt cho việc lưu thông máu đến tim của bạn. Vậy, chúng ta nên ăn những thực phẩm nào để tốt cho tim mạch của mình?

Các mẹ cần biết

- 25/09/2017

1 1428308462176 crop1428308468172p.jpg

Bạn có thể không mấy để tâm đến chai sữa tắm dùng mỗi ngày hay bao nhựa dùng trong lò vi sóng, nhưng những sản phẩm này có thể chứa hóa chất tàn phá cơ thể bạn.

Các mẹ cần biết

- 25/09/2017

1 49318 20131207155602 1430899204048 crop1430899218563p.jpg

Để cải thiện và dự phòng bệnh lý vùng hậu môn - trực tràng, chúng ta cần chú ý đến tinh thần tốt, chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc và tập luyện cơ thể khỏe mạnh.

Các mẹ cần biết

- 25/09/2017