Bệnh đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng sưng phù của kết mạc (đây là một màng mỏng, trong suốt bao phủ ở mặt trong mi mắt và tròng trắng của mắt), kết mạc có nhiều mạch máu nhỏ, tạo ra chất nhầy giúp giữ ẩm và bảo vệ bề mặt nhãn cầu. Khi kết mạc bị kích ứng hoặc sưng phù, các mạch máu sẽ to ra và gồ hơn, làm cho mắt trông đỏ lên. Các dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt.
Nguyên nhân gây ra bệnh đỏ mắt là gì?
Có 3 nguyên nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) đó là do vi khuẩn, vi rút và do bị dị ứng.
- Bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn: Là dạng đau mắt đỏ do nhiễm trùng, rất dễ lây lan. Loại viêm kết mạc này thường gây đỏ mắt với nhiều ghèn mủ. Nhiễm trùng, như nhiễm tụ cầu khuẩn (Staphylococcus) hay liên cầu khuẩn (Streptococcus), sẽ gây mắt đỏ với nhiều ghèn mủ. Mi mắt thường bị dính chặt khi thức dậy. Một số ít viêm kết mạc nhiễm trùng có ít hoặc không có dịch tiết trừ một ít ghèn khô dính trên mi mắt vào buổi sáng. Thuốc nhỏ mắt kháng sinh thường được chỉ định vì thuốc giúp bệnh mau khỏi và giảm lây lan.
- Bệnh đau mắt đỏ do vi rút: Đây cũng chính là loại vi rút gây bệnh cảm cúm thông thường, viêm kết mạc do vi rút thường rất dễ lây lan. Nhiễm siêu vi là nguyên nhân thường gặp của bệnh đau mắt đỏ. Loại vi rút gây đỏ mắt và chảy nước mắt này cũng gây đau họng và chảy nước mũi ở bệnh cảm cúm thông thường. Những triệu chứng của viêm kết mạc do siêu vi có thể kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần và sau đó sẽ tự khỏi. Tuy nhiên có thể làm giảm sự khó chịu ở mắt bằng cách chườm mát. Thuốc nhỏ mắt kháng sinh không giúp chữa khỏi viêm kết mạc do siêu vi.
- Bệnh đau mắt đỏ do dị ứng: Dạng viêm kết mạc này gây ra bởi phản ứng của cơ thể với chất gây dị ứng hoặc kích ứng. Bệnh đau mắt đỏ do dị ứng thì không có tình trạng nhiễm trùng hoặc lây lan. Bệnh xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với yếu tố gây phản ứng dị ứng, như phấn hoa, chất dị ứng trong môi trường hay vảy của thú nuôi. Triệu chứng đầu tiên là ngứa. Những triệu chứng thường gặp khác là đỏ kết mạc, bỏng rát, chảy nước mắt và sưng phù mi mắt. Thỉnh thoảng kết mạc sưng phù. Điều trị thường bao gồm chườm lạnh lên mắt, thuốc nhỏ mắt chống dị ứng và nước mắt nhân tạo. Nhiều bệnh nhân thấy rằng thuốc nhỏ mắt được làm mát trong tủ lạnh sẽ giúp dễ chịu hơn. Thuốc chống dị ứng đường uống thì không giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng dị ứng ở mắt.
- Các chất kích ứng từ môi trường như là khói hay mùi hương cũng có thể gây viêm kết mạc. Những triệu chứng bao gồm mắt nóng rát, kích thích, không chảy nước mắt hoặc dịch tiết.
Bệnh đau mắt đỏ lan truyền như thế nào?
Bệnh đau mắt đỏ dù là do vi khuẩn hay siêu vi, thì đều khá dễ lây lan. Vài cách lây thường gặp nhất bao gồm:
- Quên rửa tay thường xuyên và chạm tay vào mắt
- Sử dụng lại giấy hoặc khăn để lau mặt hoặc mắt
- Không vệ sinh kính sát tròng (contact lenses) đúng cách và sử dụng kính sát tròng không vừa hoặc dùng loại kính sát tròng thời trang.
- Trẻ em thường dễ mắc bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn hoặc siêu vi nhất vì chúng thường tiếp xúc gần với nhiều trẻ khác ở trường hoặc nhà trẻ.
Dấu hiệu đau mắt đỏ là gì?
Các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ sẽ khác nhau tùy vào loại viêm kết mạc mà bạn mắc phải. Nếu bệnh đau mắt xảy ra do vi khuẩn, mắt bạn thường sẽ rất đỏ. Bạn sẽ thấy có nhiều vảy ghèn đóng dính hai mi, và nhiều dịch tiết dạng mủ mà đôi khi chúng hơi ngả màu xanh lá. Bệnh có thể lan cả hai mắt.
Nếu bệnh đau mắt đỏ xảy ra do vi rút, mắt bạn sẽ bị sưng, đỏ rực, đóng vảy ghèn ở mi mắt và chảy nhiều nước mắt hơn. Chất tiết có thể ở dạng các dải nhầy hoặc dải trắng đặc quánh. Nhiễm virus thường chỉ gây đau mắt đỏ một bên nhưng trường hợp này có thể lan sang cả mắt còn lại.
Nếu bệnh đau mắt đỏ xảy ra do dị ứng, khi nhìn bên ngoài cũng sẽ có những dấu hiệu tương tự như viêm kết mạc do virus. Hai mắt đều bị đỏ và chảy nước mắt. Tuy nhiên, bạn sẽ có thêm triệu chứng ngứa. Ngoài ra, bạn có thể bị nghẹt, ngứa mũi và chảy nước mũi đi kèm.
Các dấu hiệu đau mắt đỏ khác:
- Sưng nhẹ mi mắt
- Đỏ phần tròng trắng của mắt (kết mạc) và bên trong mi mắt
- Chảy nước mắt, có nhiều ghèn mủ, nhầy
- Kích thích ở mắt
- Cảm giác có vật lạ trong mắt
- Ngứa mắt
- Nhìn hơi nhòe do chất nhầy hay mủ
- Vảy ghèn bám trên lông mi khi ngủ dậy, có thể làm hai mắt dính lại
Chẩn đoán bệnh đau mắt đỏ như thế nào?
Bác sĩ mắt của bạn có thể chẩn đoán hầu hết các trường hợp viêm kết mạc khi thăm khám mắt. Hãy báo cho bác sĩ của bạn biết các triệu chứng mắt đỏ xuất hiện dần dần hay đột ngột và bạn đã có tiếp xúc với người nào khác bị đau mắt đỏ hay không.
Trong vài trường hợp, các xét nghiệm chẩn đoán kèm theo có thể hữu ích để chẩn đoán bệnh mắt đỏ. Bác sĩ có thể lấy mẫu bệnh phẩm (nuôi cấy) để phân tích. Họ sẽ nhỏ thuốc tê vào mắt bạn, dùng tăm bông quẹt trên bề mặt để lấy bệnh phẩm. Kết quả nuôi cấy này sẽ giúp xác định nhiễm trùng do vi khuẩn hay virus để có hướng điều trị thích hợp. Tuy nhiên, hầu hết chẩn đoán thường dựa trên lâm sàng và không thực hiện nuôi cấy,.
Cách chữa đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ được điều trị tùy theo tác nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể sẽ lấy mẫu bệnh phẩm đem xét nghiệm để xác định mắt đỏ do vi khuẩn hay virus.
- Điều trị đau mắt đỏ do vi khuẩn: Với viêm kết mạc do vi khuẩn, bác sĩ thường kê toa thuốc nhỏ mắt có chứa chất kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Đôi khi cũng rất khó phân biệt giữa viêm kết mạc do vi khuẩn và virus, và những trường hợp này thường sẽ được chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt có kháng sinh.
- Điều trị đau mắt đỏ do vi rút: Với viêm kết mạc do virus, các triệu chứng có thể sẽ kéo dài từ một đến hai tuần và sau đó thường sẽ tự hết. Có thể làm giảm sự khó chịu ở mắt bằng cách chườm mát mắt và nhỏ nước mắt nhân tạo. Đây là cách điều trị điển hình duy nhất thật sự cần thiết. Trong những trường hợp nặng, thuốc nhỏ mắt có chứa chất kháng viêm sẽ giúp cải thiện triệu chứng nhưng chỉ được sử dụng dưới sự kê toa của bác sĩ nhãn khoa.
- Điều trị đau mắt đỏ do dị ứng: Việc điều trị thường bao gồm chườm mát lên mắt, nhỏ thuốc chống dị ứng và nước mắt nhân tạo đã được làm mát trong tủ lạnh
Giữ gìn vệ sinh tốt có thể phòng ngừa lây lan bệnh viêm kết mạc. Bạn nên:
- Rửa tay thường xuyên
- Không chạm tay lên mắt
- Không dùng khăn tắm, khăn mặt, khăn tay và khăn giấy đã qua sử dụng để lau mặt và mắt.
- Thay vỏ áo gối thường xuyên
- Thay mới những mỹ phẩm dành cho mắt và không sử dụng chúng chung với người khác
- Luôn vệ sinh kính áp tròng của bạn đúng cách. Trong trường hợp bạn xài loại kính áp tròng dùng một lần rồi bỏ, hãy làm theo hướng dẫn trên hộp kính và bỏ kính đúng thời hạn.
Cách xử trí đau mắt đỏ
Nhúng một mảnh vải (gạc) mềm, sạch vào nước rồi vắt khô, chườm lên mi mắt đang nhắm để làm giảm sự khó chịu của bệnh đau mắt đỏ. Nếu bạn chỉ bị viêm kết mạc một bên mắt thì không được dùng cùng mảnh gạc chườm lên cả hai mắt để tránh lây bệnh cho mắt còn lại.
Nước mắt nhân tạo, được bày bán tự do ở các cửa hiệu, cũng giúp giảm triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ.