Niệu đạo của nam giới chia làm 2 phần gồm niệu đạo trước và niệu đạo sau, được ngăn cách bởi cơ thắt niệu đạo, có chiều dài từ 14 - 16cm; niệu đạo trước có nhiều hang, là nơi trú ẩn của lậu cầu; niệu đạo sau càng phức tạp hơn cũng có nhiều ngóc ngách, xuyên qua tuyến tiền liệt, thông với túi tinh, ống dẫn tinh, mào tinh và tinh hoàn. Ngoài ra, còn có tuyến Morgagni và tuyến Littr cũng thuận lợi cho lậu cầu sinh sôi và phát triển. Sau khi lậu cầu xâm nhập vào cơ thể thông qua niệu đạo, vi khuẩn có khuynh hướng ưa thích tế bào mô bì trụ ở niêm mạc đường tiết niệu, đưa đến phản ứng viêm tại chỗ, kéo theo bạch cầu đa nhân đến để thực bào, từ đó trở thành tổ chức hoại tử trong quá trình viêm, được thoát ra ngoài theo nước tiểu, màu trắng hơi vàng gọi là tiểu ra mủ, lậu cầu tiếp tục phát triển và đi dọc theo chiều dài của niệu đạo, đi đến đâu gây viêm đến đó.
Thời gian ủ của bệnh lậu ở nam giới trung bình 3 - 5 ngày, nhưng có thể kéo dài 2 - 3 tuần. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng, triệu chứng thường âm thầm, không rõ. Theo thống kê, có khoảng 97% số ca bệnh không có triệu chứng, chỉ có 3% còn lại mới có triệu chứng tiểu gắt, tiểu buốt, khó chịu, nếu không điều trị bệnh sẽ đi vào giai đoạn mãn tính không có biểu hiện gì đặc biệt.
Dấu hiệu bệnh lậu ở nam giới
Bệnh lậu ở nam giới thường chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn cấp tinh và giai đoạn mạn tính.
Giai đoạn cấp tính
Sau thời gian ủ bệnh, bệnh nhân thấy hơi ngứa, nhồn nhột ở đường tiểu, sau vài giờ thì tiết ra chất dịch trong, sau đó đục dần rồi thành mủ, màu vàng hơi trắng. Tiếp theo đó, hai mép miệng sáo đỏ, sưng nề, khi đi tiểu bệnh nhân có cảm giác tiểu nóng rát, tiểu gắt, tiểu bốt, đau như dao cắt, mủ chảy ngày càng nhiều, trường hợp nặng có thể tiểu ra máu.
Toàn thân giai đoạn này bệnh nhân có thể sốt nhẹ, mệt mỏi, đau mình mẩy.
Giai đoạn mạn tính
Bệnh lậu ở nam giới ở giai đoạn cấp tính nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, triệu chứng trên cũng giảm dần, nhưng vi khuẩn vẫn còn và chuyển sang giai đoạn mạn tính, vi khuẩn từ niệu đạo trước, xâm nhập sâu dần đến các tuyến và niệu dạo sau, để tiếp tục sinh sôi và phát triển, các triệu chứng trên sẽ mất dần chỉ còn lại là tiểu ra giọt đục buổi sáng, và tăng lên khi lao động nặng, thức khuya, uống rượu bia…
Chữa bệnh lậu ở nam giới
Lậu cầu cứ 15 phút phân chia một lần do đó lan nhanh.Vì vậy, cần điều trị càng sớm càng tốt, điều trị đúng thuốc - đủ liều; điều trị cả với người tiếp xúc sinh lý. Thuốc hiện nay được chọn ưu tiên là spectinomycine với tên biệt dược là Trobicin hay Kirin, 4g - tiêm bắp một liều duy nhất; trường hợp bệnh mãn tính, tiêm liên tiếp 2 ngày. Nếu không tiện tiêm thuốc có thể chọn giải pháp uống nhưng thường tỉ lệ thành công sẽ thấp hơn, thuốc thường dùng azithromycin (Zithromax) 250mg x 4 viên uống liều duy nhất. Nếu điều trị đúng thuốc, đủ liều thì triệu chứng tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu nhiều lần sẽ giảm nhanh sau 24 - 48 giờ, riêng tiểu ra mủ sẽ hết chậm hơn sau 48 - 72 giờ. Các triệu chứng chung sẽ biến mất hoàn toàn sau 5 - 7 ngày.
Phối hợp với một trong các loại thuốc sau để điều trị đồng thời nhiễm Chlamydia trachomatis, rất thường gặp cùng với bệnh lậu.
- Doxycyclin 100mg uống 2viên/ ngày x 7 ngày.
- Tetraxyclin 500mg uống 4 viên/ ngày x 7 ngày.
- Erythromycin 500mg, uống 4 viên/ ngày x 7 ngày.
- Azithromycin (zithromax) 500mg, uống 2 viên liều duy nhất
Không dùng doxycyclin và tetracyclin cho phụ nữ có thai và cho con bú, và trẻ dưới 7 tuổi)
Phòng bệnh lậu ở nam giới như thế nào?
Để phòng bệnh lậu ở nam giới cho đến hôm nay, dùng bao cao su được xem như là phương tiện duy nhất để phòng bệnh lậu, tuy nhiên đó chưa phải là phương pháp đảm bảo tuyệt đối. Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý những điều sau:
- Không quan hệ tình dục bừa bãi, thủy chung một vợ một chồng.
- Không dùng chung quần áo, khăn tắm với người mắc bệnh lậu.
- Những người bị bệnh lậu cần được khám và điều trị dứt điểm. Cần điều trị cho cả cặp vợ chồng hoặc cho từng cặp tình nhân.