Hiểu biết về cấp độ và cách chữa bỏng thường gặp như bỏng bô, dầu mỡ hay nước sôi là rất cần thiết để giảm thiểu tối đa hậu quả có thể gây ra. Tuy nhiên, hầu hết mọi người vẫn chủ quan, tự xử lý vết bỏng của mình theo kinh nghiệm. Khi xử lý không đúng cách, vùng da bị tổn thương cần phải mất nhiều thời gian hồi phục, dễ để lại sẹo và đôi khi vấn đề tổn thương da trở nên nghiêm trọng hơn, phải nhập viện.
Các cấp độ bỏng
Bỏng là một dạng tổn thương trên da, đôi khi là dưới mô gây bởi nhiệt, điện, bức xạ, chất hóa học, ánh sáng hay va chạm (phần lớn gây ra bởi nhiệt như các trường hợp: bỏng bô, bỏng dầu mỡ, bỏng nước sôi…). Bạn cần hiểu biết rõ về bỏng và vấn đề bạn phải gặp phải là gì thì bạn mới có thể xử lý vết bỏng đúng cách.
- Bỏng độ 1 (Bỏng bề mặt): Đây là cấp độ nhẹ nhất, khi bị bỏng thường có dấu hiệu da bỏng rát, đỏ giống như bị cháy nắng sau một vài ngày vết thương sẽ lành, không để lại sẹo.
- Bỏng độ 2 (Bỏng một phần da): Ở cấp độ này, lớp biểu bì và một phần lớp chân bì bị tổn thương, các túi nước phỏng được hình thành. Nếu túi nước này bị vỡ, nó sẽ gây ra đau rát cho vùng da bị tổn thương. Xử lý bỏng độ 2 đa dạng phụ thuộc vào kích thước, độ sâu, tuổi và sức khỏe người bệnh nói chung. Với tất cả các loại bỏng, việc theo dõi, xử lý nhiễm trùng rất quan trọng. Bỏng độ 2 có thể loại bỏ sẹo nếu sử dụng thuốc trị bỏng và điều trị phù hợp.
- Bỏng độ 3: Bỏng nặng nhất gây đau, liên quan đến tất cả các lớp của da. Lớp mỡ, cơ, thậm chí xương có thể bị ảnh hưởng. Các khu vực có thể chấm hồng đen, xuất hiện khô và trắng. Khó hít vào và thở ra, CO gây độc và một số tác động độc khác có thể xảy ra nếu khói hít vào kèm theo bỏng. Ở mức độ bỏng này cần đưa ngay nạn nhân tới bệnh viện để các bác sĩ kịp thời cấp cứu, tránh những tổn thương nghiêm trọng hơn.
Khi bị bỏng, tùy vào cấp độ bỏng khác nhau ta cần phải có cách xử lý khác nhau. Bạn xử lý đúng cách sẽ làm cho vết bỏng có thời gian phục hồi nhanh hơn và không để lại sẹo. Xử lý kịp thời có thể giúp kiểm soát mức độ nghiêm trọng của vết bỏng. Trong trường hợp bỏng do chất hóa học, cần rửa vùng da bị bỏng bằng thật nhiều nước sạch,
Cần làm gì trong khi chờ đợi xe cấp cứu?
Trường hợp bị bỏng cấp độ 3 trởi lên hãy gọi số cấp cứu y tế 115 ngay lập tức . Trong khi chờ giúp đỡ, hãy bắt đầu các xử trí sau:
- Cởi bỏ/cắt bỏ quần áo ở vùng bỏng, ngoại trừ những chỗ vải dính chặt vào da.
- Đổ nước lạnh (Ví dụ: nước máy) thành dòng tưới trên vết bỏng cho đến khi dịu đau (có thể để vết bỏng dưới vòi nước máy, lưu ý không dùng nước đã làm lạnh trong tủ lạnh hoặc nước đá).
- Dùng gạc vô trùng hoặc những tấm vải sạch, mỏng nhẹ nhàng phủ lên vùng bỏng.
- Nếu bệnh nhân còn thức tỉnh, cho dùng ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau.
- Không bôi bất kỳ dạng thuốc mỡ, bơ, hay chất gì khác lên trên vết bỏng –Những chất này có thể làm vết bỏng trở nên tệ hơn.
- Không chọc vỡ bất kỳ bóng nước/chỗ rộp da nào nếu có.
- Nếu vẫn chưa liên lạc được với đơn vị cấp cứu, chuyển nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Cách chữa bỏng bằng đông y
Trong một số trường hợp bỏng nhẹ, bạn có thể áp dụng một số cách chữa bỏng bằng đông y dưới đây để giúp vết thương mau lành.
Cách chữa bỏng bằng Vỏ xoan
Cách chữa bỏng bằng vỏ xoan: Vỏ xoan nhừ tươi 6.000 gam, sắc kiệt với nước, cô đặc lại thành cao khoảng 1.000 ml, trung hòa bằng Natricarbonate cho pH = 7 (trung tính) để bôi khỏi xót. Có thể chế thành dạng bột. Rửa sạch vết bỏng, cắt lọc các nốt phồng rộp và thượng bì đã hoại tử, lau cho sạch, thấm khô cho vô khuẩn, rắc bột hoặc bôi cao lên kín vết thương. Không nên dùng cho vết bỏng sâu, vết bỏng đã nhiễm khuẩn xuất tiết nhiều và có mủ.
Cách chữa bỏng bằng củ nghệ
Cách chữa bỏng bằng nghệ: Nghệ vị cay, đắng, tính ấm, có tác dụng hành khí, chỉ thũng, thông kinh, tiêu mủ, lên da non. Với những trường hợp bỏng nhẹ thông thường, dùng bài thuốc bằng nghệ sau đây: Nghệ già 1 củ, dầu lạc hay dầu vừng vừa đủ. Nghệ giã nát, nấu với dầu lạc hay dầu vừng, quấy đều. Sau đó cho thuốc vào lọ sạch, dùng dần.Khi bị bỏng, lấy tăm bông sạch quệt thuốc bôi vào chỗ bỏng. Chỗ bỏng sẽ khỏi nhanh và không thành sẹo.
Cách chữa bỏng bằng lá chè tươi
Cách chữa bỏng bằng lá chè tươi: Lá chè tươi 100 g, nghệ 50 g. Đem lá chè tươi rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội rồi vò lấy nước đặc. Củ nghệ rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước. Trộn lẫn hai thứ với nhau thành một dung dịch sền sệt. Dùng một tăm bông sạch để chấm thuốc, bôi nhẹ lên chỗ da bị bỏng. Cứ bôi từng lượt như vậy cho đến khi chỗ bỏng hết đau rát. Sau đó lấy vải màn sạch che vết bỏng lại. Trong những ngày sau, cần bôi thuốc mỗi ngày 2-3 lần. Nếu vết bỏng nhẹ, chỉ sau 2-3 ngày, chỗ bị bỏng sẽ tróc vảy, lên da non. Lấy nước nghệ tươi chấm vào chỗ da non để tránh sẹo.
Trường hợp của bạn là bỏng nhẹ, bạn có thể tự điều trị tại nhà theo những chỉ dẫn ở trên. Tuy nhiên bạn cần lưu ý giữ vệ sinh vết thương để tránh nhiễm trùng. Khi có dấu hiệu nhiễm trùng, cần đi khám ngay lập tức.