Cơ Xương Khớp

Xin chào bác sĩ ! Cháu năm nay 18 tuổi. Hiện tại cháu đang gặp vấn đề về khả năng phát âm. Cháu biết mình muốn nói gì nhưng nói ra thì bị lắp từ, không rõ âm. Cháu cảm thấy cơ miệng (cơ hàm) có cảm giác cứng cứng và mỏi mỏi. Mỗi lần cháu nói chuyện hay cuời thì có cảm giác như cả cơ miệng và cơ cổ bị run run. Cả bàn tay, ngón tay cháu cũng vậy, run run giống bị parkinson vậy ( nhưng run nhẹ ). Cháu đã đi khám chuyên khoa thần kinh rồi và bác sĩ kết luận thần kinh hoàn toàn bình thường. Cháu đang nghi ngờ mình bị yếu cơ. Hiện tại đốt sống cổ (gần vai) của cháu có nhô ra mấy đốt xuơng, và cảm giác hơi tê tê đau đau ( cháu đã thử sờ lưng của mấy đưa bạn nhưng không có như vậy). Qua những triệu chứng trên mong bác sĩ có thể tư vấn cho cháu một cách cụ thể. Cháu xin cảm ơn ạ !

Nguyễn Hồng Đăng

(2014/06/23 17:41)

Chào bạn,
Tình trạng bị tê tê và đau ở khớp gáy có thể bị các bệnh về xương khớp như thaots vị đĩa đệm, chèn ép dây thần kinh... do đó bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa cơ xương khớp để khám và chụp x quang xem vị trí tổn thương như thế nào khi có kết quả chính xác bác sĩ chuyên khoa sẽ có phương pháp điều trị cho bạn, còn bệnh hay nối lắp từ:
Các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm câu trả lời trọn vẹn cho cơ chế gây nói lắp, nhưng hiện tại tật nói lắp được phân loại thành hai dạng phổ biến:
+Nói lắp như một phần của quá trình phát triển kỹ năng ngôn ngữ:
Dạng nói lắp này diễn ra ở trẻ nhỏ đang trong giai đoạn tập nói và hình thành kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Đây là dạng nói lắp phổ biến nhất. Nhiều nhà khoa học và bác sĩ cho rằng hiện tượng nói lắp xảy ra khi khả năng nói và vốn từ của trẻ không đủ để các bé diễn đạt những yêu cầu hoặc hành động của mình. Nói lắp cũng là một đặc tính di truyền trong gia đình. Cụ thể là vào năm 2010, lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học của Viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Tật Điếc và Các Rối Loạn Giao Tiếp Khác (NIDCD) đã phân tách được ba loại gene di truyền gây ra tật nói lắp ở người.
+Nói lắp do các nguyên nhân về thần kinh:
Trong trường hợp này, tật nói lắp xuất hiện sau một cơn chấn động về thần kinh, điển hình như động kinh, co giật, và chấn thương sọ não. Khi đó, bộ não mất khả năng điều phối các thành phần và những cử động khác nhau liên quan đến giao tiếp bằng lời nói, do đường truyền tín hiệu giữa bộ não, các dây thần kinh và các cơ đã bị thương tổn hoặc cắt đứt.
Dạng nói lắp thứ ba ít phổ biến hơn là nói lắp tâm lý. Bệnh nhân bỗng dưng nói lắp sau một biến cố hoặc sang chấn tâm lý mà không rõ nguyên do, dù trước đó họ không hề có tật này. Cũng có quan điểm cho rằng tất cả các hiện tượng nói lắp đều có nguyên nhân tâm lý. Nhưng nhìn chung, dạng nói lắp tâm lý này có tỉ lệ rất hiếm trên thực tế.
Điều trị tật nói lắp như thế nào?
Hiện nay tật nói lắp chưa có một phương pháp điều trị cố định nào được y văn công nhận. Cách điều trị cho mỗi người sẽ có sự khác nhau tùy vào độ tuổi, mục đích điều trị và nhiều nhân tố khác. Nếu người thân của bạn, con cái bạn hoặc bản thân bạn có tật nói lắp và có nhu cầu điều trị, việc đầu tiên cần làm chính là tìm gặp một chuyên gia bệnh học về ngôn ngữ nói để tham vấn cách điều trị phù hợp nhất.
Điều trị bằng cách luyện tập
Nhiều chuyên gia tâm lý chuyên chữa trị tật nói lắp cho thanh thiếu niên và người lớn thường tập trung vào các biện pháp giúp bệnh nhân giảm thiểu tối đa tình trạng lắp bắp, chẳng hạn như nói chậm, điều chỉnh nhịp thở, luyện tập nói suôn sẻ từ những câu phát âm đơn giản cho đến những câu nói phức tạp hơn. Hầu hết những bài tập này cũng đồng thời giúp người nói lắp giảm lo âu trong những hoạt động dễ gây căng thẳng như giao tiếp với mọi người hoặc nói trước đám đông.
Dùng thuốc
Ủy Ban Thực Phẩm và Thuốc Men Hoa Kỳ (FDA) chưa xác nhận bất kỳ loại thuốc nào dành cho việc điều trị nói lắp. Tuy nhiên, đã có những trường hợp chữa nói lắp bằng các loại thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm hoặc giảm lo âu. Tuy nhiên, những loại thuốc này có tác dụng phụ và đều được khuyến cáo không nên sử dụng lâu dài. Trong một nghiên cứu gần đây của NIDCD, các nhà khoa học đã chứng minh rằng liệu pháp dùng thuốc gần như không có tác dụng trong việc cải thiện tật nói lắp.
Tham gia các nhóm tự giúp
Đã có nhiều trường hợp người nói lắp tự khắc phục được tật của mình nhờ tham gia các đội nhóm nhằm tự chữa cho mình. Các nhóm tự giúp – thường gồm những người đồng cảnh ngộ hoặc có kinh nghiệm về tật nói lắp – thường xuyên có nhiều hoạt động chia sẻ thông tin, kinh nghiệm bổ ích và hỗ trợ, động viên các thành viên vượt qua tật nói lắp của bản thân.
Ngoài ra nên đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn và tư vấn thêm.
Chúc bạn sức khỏe!

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan