Tổng quan
Suy gan cấp hay còn gọi là viêm gan tối cấp là bệnh tương đối hiếm gặp ở trẻ em nhưng tỉ lệ tử vong có thể lên đến 70%. Nhận biết sớm các biểu hiện suy gan cấp ở trẻ em giúp phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, tránh được những hậu quả đáng tiếc.
Suy gan cấp là sự hoại tử gan kèm với bệnh lý não (encephalopathy) xảy ra trong vòng 8 tuần kể từ lúc xuất hiện bệnh gan. Suy gan cấp ở trẻ em biểu hiện lâm sàng có thể kéo dài hơn, đặc biệt là khi suy gan thứ phát sau bệnh gan do nguyên nhân tự miễn hay chuyển hóa.
Nguyên nhân
-Ở trẻ sơ sinh/Nhũ nhi đến 6 tháng tuổi: Nhiễm trùng huyết, viêm gan B, ứ đọng huyết sắc tố sơ sinh, tăng tyrosine máu type I, các rối loạn của ty thể, khiếm khuyết trong quá trình ôxy hóa acid béo, ngộ độc paracetamol, hội chứng thực bào máu có tính chất gia đình… là những nguyên nhân gây suy gan và suy gan cấp.
-Ở trẻ trên 6 tháng tuổi, nguyên nhân gây bệnh là do: Viêm gan virus A/B/E/non-A-G, Epstein-Barr virus, parvovirus B19, viêm gan tự miễn: type I hoặc II, viêm gan do thuốc: paracetamol overdose, sodium valproate, carbamazepine, isoniazid, halothane, bệnh Wilson, bệnh Alpers...
Triệu chứng
Biểu hiện lâm sàng phụ thuộc nguyên nhân gây bệnh. Biểu hiện có thể cấp tính có thể diễn ra trong vòng vài ngày hoặc kéo dài đến 10 tuần nếu nguyên nhân là do bệnh gan chuyển hóa.
Trẻ có thể bị vàng da, nôn mửa, kém bú, tăng kích động hoặc co giật… và bệnh lý não. Mức độ vàng da và bệnh lý não khác nhau trong giai đoạn đầu của bệnh nhưng tất cả trẻ đều có bệnh lý não. Bệnh lý não đặc biệt khó chẩn đoán ở trẻ sơ sinh. Ở trẻ lớn hơn, bệnh lý não có thể biểu hiện bằng tình trạng tăng kích động hoặc co giật.
Chẩn đoán & Điều trị
Chẩn đoán suy gan cấp dựa trên những test chuẩn đánh giá chức năng gan và đông máu. Chống chỉ định sinh thiết gan do bất thường về đông máu. Tuy nhiên, trong trường hợp thật sự cần thiết, sinh thiết có thể thực hiện qua đường tĩnh mạch cảnh. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm đặc hiệu hơn.
Xử trí suy gan cấp ở trẻ em bao gồm điều trị hỗ trợ tích cực và chuyển bệnh nhân đến các trung tâm chuyên khoa về gan mật trẻ em với mục đích cân nhắc sớm việc ghép gan. Mục tiêu điều trị nhằm:
- Ngăn ngừa các biến chứng như bệnh lý não do gan, phù não, nhiễm trùng huyết, chảy máu đường tiêu hóa, suy thận và suy đa cơ quan.
- Đánh giá đúng đắn tiên lượng bệnh và cân nhắc ghép gan.
- Điều trị hỗ trợ chức năng gan.
- Hạn chế dịch còn 75% nhu cầu duy trì bình thường nhằm ngăn ngừa phù não và phòng bệnh lý não do gan.
- Duy trì nồng độ glucose máu >4.0 mmol/l.
- Phòng ngừa chảy máu tiêu hóa bằng ranitidine 3 mg/kg và sucralfate 2–4 g/ngày.
- Phòng ngừa nhiễm trùng huyết bằng các kháng sinh phổ rộng và các thuốc chống nấm.
- Kiểm soát rối loạn đông máu bằng vitamin K tĩnh mạch (2–10 mg); điều trị rối loạn đông máu trầm trọng (khi thời gian prothrombin > 60 giây) bằng huyết tương tươi đông lạnh và tủa lạnh (cryoprecipitate).