Sỏi thận có thể hình thành trong thận, trong ống thoát nước tiểu từ thận (niệu quản) hoặc trong bàng quang. Chúng có thể có nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau. Sỏi thận có kích thước rất nhỏ như tinh thể cho đến lớn như củ khoai tây.
Thận lọc máu, loại bỏ nước và các chất hoá học dư thừa để sản xuất nước tiểu. Nước tiểu đi từ mỗi thận xuống ống thoát nước tiểu từ thận (niệu quản) vào bàng quang. Sau đó nó đi ra khỏi cơ thể thông qua niệu đạo khi bàng quang đầy. Nhiều loại chất hoá học dư thừa được hòa tan trong nước tiểu. Các chất hóa học này đôi khi tạo thành các tinh thể nhỏ trong nước tiểu và kết tinh lại với nhau tạo thành một viên sỏi nhỏ.
Bệnh sỏi thận có các triệu chứng gì?
Vậy triệu chứng sỏi thận là gì?
Ở một số trường hợp, viên sỏi nằm trong thận và không gây ra vấn đề hoặc triệu chứng gì. Do đó, bệnh nhân có thể không biết rằng sỏi đã hình thành. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sỏi thận
- Đau một bên thận: Viên sỏi bị mắc kẹt trong một bên thận và gây đau vùng bụng bên đó.
- Cơn đau quặn thận: Đây là một cơn đau dữ dội – thường xuất hiện và biến mất đột ngột, đôi khi kéo dài – gây ra do viên sỏi lọt vào ống thoát nước tiểu từ thận (niệu quản). Viên sỏi bị mắc kẹt, niệu quản co thắt đẩy viên sỏi xuống bàng quang, gây đau dữ dội ở vùng bụng khu vực đó. Cơn đau có thể lan xuống bụng dưới hoặc háng. Bệnh nhân có thể đổ mồ hôi hoặc cảm thấy buồn nôn do cơn đau.
- Máu: Có thể thấy máu trong nước tiểu (nước tiểu chuyển sang màu đỏ) gây ra do viên sỏi cọ xát bên trong niệu quản.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng đường tiểu thường gặp ở những người bị sỏi thận. Nhiễm trùng có thể gây sốt cao, đau khi đi tiểu và tăng số lần đi tiểu.
Bệnh sỏi thận – Nguyên nhân chưa rõ ràng.
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh sỏi thận đều không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng. Các viên sỏi được hình thành từ canxi, tuy nhiên, phần lớn các trường hợp, lượng canxi và các chất hóa học khác trong nước tiểu và máu thì bình thường. Nhiều khả năng viên sỏi hình thành khi nước tiểu bị cô đặc. Ví dụ, nếu hoạt động thể chất với cường độ cao, sống ở vùng khí hậu nóng, hoặc làm việc ở môi trường nóng thì cơ thể có thể mất nhiều dịch (mồ hôi), còn lượng nước tiểu thì ít đi.
Sử dụng một số loại thuốc có thể dẫn tới dễ bị bệnh sỏi thận. Ví dụ: thuốc lợi tiểu, một số loại thuốc hóa trị cho bệnh ung thư và một số loại thuốc dùng để điều trị HIV. Tuy nhiên, nhiều người vẫn khỏe mạnh, không bị bệnh sỏi thận khi dùng những loại thuốc này. Nếu bạn cho rằng loại thuốc đang dùng là nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận, bạn không nên ngưng dùng thuốc mà cần thảo luận với bác sĩ.
Ngoài ra, bệnh sỏi thận cũng dễ hình thành hơn nếu:
- Nhiễm trùng đường tiểu tái phát
- Nhiễm trùng thận tái phát
- Thận có vết sẹo hoặc u nang
- Người thân đã từng bị bệnh sỏi thận
Bệnh sỏi thận gây biến chứng gì?
Biến chứng do bệnh sỏi thận thường ít gặp (mặc dù cơn đau tại thời điểm nào đó có thể rất nghiêm trọng). Đôi khi viên sỏi lớn có thể làm tắc dòng chảy nước tiểu xuống một trong những ống thoát nước tiểu từ thận (niệu quản). Nó có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc tổn thương cho thận. Điều này thường có thể phòng ngừa được, vì chụp tia X hoặc scans sẽ phát hiện sự tắc nghẽn và viên sỏi có thể sẽ được đưa ra ngoài.
Điều trị bệnh sỏi thận thế nào?
Cách điều trị bệnh sỏi thận ra sao?
Hầu hết những viên sỏi gây ra cơn đau quặn thận có kích thước nhỏ và ra ngoài được cùng với nước tiểu trong một ngày hoặc lâu hơn. Bạn nên uống nhiều nước để tăng cường dòng chảy nước tiểu. Thuốc giảm đau mạnh thường dùng để giảm bớt sự đau đớn cho đến khi viên sỏi ra ngoài. Điều trị khác thường không cần thiết.
Một số viên sỏi hình thành và dính với thận nhưng không gây ra triệu chứng hay tổn hại gì. Có thể không cần can thiệp gì nếu kích thước sỏi nhỏ.
Vài loại thuốc được kê đơn để hỗ trợ trong việc điều trị bệnh sỏi thận như tamsulosin hoặc nifedipine.
Trong một số trường hợp viên sỏi bị mắc kẹt trong thận hoặc một trong những các ống thoát nước tiểu từ thận (niệu quản) và gây ra các triệu chứng hoặc các vấn đề sức khỏe dai dẳng. Đối với những trường hợp này, cơn đau thường nghiêm trọng và bệnh nhân phải được đưa vào bệnh viện. Có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau, bao gồm:
- Tán sỏi ngoài cơ thể. Phương pháp này sử dụng sóng xung kích năng lượng cao được phát ra từ máy bên ngoài cơ thể. Sóng được tập trung vào viên sỏi và phá vỡ nó. Sau đó, các mảnh vỡ nhỏcủa viên sỏi sẽ ra ngoài khi bệnh nhân đi tiểu.
- Nội soi lấy sỏi qua da được sử dụng cho những viên sỏi không thể dùng phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích bên ngoàicơ thể. Máy soi thận ( giống như kính viễn vọng kích thước nhỏ) sẽ được đưa qua da để vào thận. Viên sỏi được phá vỡ ra và các mảnh vỡ được đưa ra ngoài qua máy soi thận. Bệnh nhân được gây mê toàn thân khi thực hiện phương pháp này.
- Nôi soi niệu quản ngược dòng tán sỏi là một cáchđiều trị khác. Ống soi niệu quản được đưa qua niệu đạo, vào bàng quang và lên niệu quản. Khi viên sỏi được nhìn thấy, tia laser (hoặc dạng năng lượng khác) được sử dụng để phá vỡ sỏi. Kỹ thuật này phù hợp cho hầu hết các loại sỏi
- Loại bỏ viên sỏi có thể được thực hiện bằng cách phẫu thuật truyền thống, tức là da sẽ được rạch để tiếp cận thận và niệu quản. Cách này chỉ áp dụng cho một số ít trường hợp kể trên nếu phương pháp mới không thể thực hiện được. Phương pháp này được áp dụng nếu thận bệnh nhân có viên sỏi lớn.
Một lựa chọn khác là làm tan viên sỏi đối với dạng sỏi hình thành từ acid uric .Phương pháp này thực hiện bằng cách uống nhiều chất lỏng và làm kiềm hóa nước tiểu bằng thuốc.
Bệnh sỏi thận, làm sao để ngăn ngừa tái phát?
Trong vòng 10 năm, khoảng một nửa số người từng bị bệnh thận sẽ có viên sỏi khác hình thành. Nhưng đôi khi chúng ta có thể ngăn ngừa hình thành sỏi.
Khi đã bị bệnh sỏi thận, khả năng tái phát sẽ rất ít nếu uống nhiều chất lỏng (chủ yếu là nước, trong suốt cả ban ngày (và ban đêm). Mục đích là để giữ nước tiểu loãng. (Nước tiểu loãng khi có màu trong hơn so với màu vàng đậm). Để thực hiện điều này, nên uống hai đến ba lít nước mỗi ngày (trừ khi bác sĩ khuyên áp dụng cách khác cho những trường hợp có vấn đề khác về sức khỏe). Nếu làm việc hoặc sống trong môi trường nóng, cần phải uống nhiều nước hơn nữa.
Đối với số ít những người có nồng độ một số chất hóa học cao trong cơ thể, lời khuyên cụ thể hơn được đưa ra như sau:
- Chuyên gia dinh dưỡng khuyên những người có sỏi canxi oxalate nên giảm hàm lượng oxalate trong chế độ ăn uống. Giảm tiêu thụ đại hoàng, cà phê và rau bina.
- Sỏi acid uric có thể được phòng ngừa bằng dùng thuốc.