Da Liễu

Cháu chào bác sĩ. Năm nay cháu học lớp 12. Cháu bị dày sừng chân lông kín hết 2 bên cánh tay, đùi, mông, cả lưng và bệnh đang lan lên đến cổ, ngực và rất nhiều ở bụng. CHáu bị bệnh từ hồi lớp 3, đã đi khám và dùng thuốc rất nhiều nhưng bệnh chỉ đỡ đi 1 chút rồi lại tiếp tục lan ra. Cháu rất tự ti vì da toàn thân dày đặc mụn. Các bác sĩ cho cho cháu hỏi bệnh có thể chữa trị triệt để đc ko ạ và chữa thế nào ạ ? Dùng acnotin10 có thể giúp bệnh dần khỏi được ko ạ? Cháu cảm ơn bác sĩ.

Hoàng Ngọc Anh

(2015/10/29 02:49)

Chào cháu,
Dày sừng nang lông là một bệnh lý mạn tính của da, do sự tăng tạo nút sừng tại phễu nang lông. Tổn thương là các “hột sừng” cứng tại các lỗ nang lông, không gây ngứa. Do sự tắc nghẽn đường ra của nang lông, sợi lông bên dưới bị cuộn lại hoặc các chất bã nhờn bị ứ đọng lại. Điều này làm cho “hột” tổn thương càng dày cộm hơn và có thể gây viêm đỏ xung quanh tổn thương. Vị trí thường gặp là mặt duỗi cánh tay - đùi - cẳng tay - cẳng chân.
Nguyên nhân của bệnh chưa rõ, thường xuất hiện ở những người có da khô.
Chính vì thế việc điều trị chỉ mang tính chất điều trị triệu chứng, tức là làm tiêu dần các nút sừng và hạn chế tái phát.
Các hoạt chất giúp tiêu sừng mạnh là vitamin A và các dẫn xuất của nó (uống hoặc bôi); các thuốc bôi tiêu sừng.
Vitamin A uống liều cao 100.000 - 300.000 đơn vị, có tác dụng tiêu sừng sau thời gian vài tháng. Tuy nhiên có thể gặp một số tác dụng phụ như khô da, ngộ độc vitamin A…
Vitamin A acid uống (Isotretinoin) gây bong tróc sừng nhanh nhưng lại có rất nhiều tác dụng phụ như ảnh hưởng gan, thận, rối loạn chuyển hóa mỡ, độc cho thai… Đây là hoạt chất có trong acnotin mà cháu nói.
Hoặc có thể dùng các chế phẩm bôi để hạn chế tác dụng phụ như Retinol, Retinaldehyde, Tretinoin… Tuy nhiên việc bôi các hóa chất này có thể gây tác dụng phụ tại chỗ như da khô, đỏ, tróc vảy, ngứa…
Như vậy, thuốc dạng nào cũng có tác dụng phụ, cháu nên đi khám bác sĩ để bác sĩ có thể kiển tra tình trạng của cháu và kê thuốc điều trị thích hợp nhất.
Cháu nên lưu ý những vấn đề sau:
- Dùng thuốc uống phối hợp thuốc bôi trong một khoảng thời gian nhất định và dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa da liễu;
- Sau khi tổn thương giảm nhiều, cháu có thể tự chăm sóc tại nhà bằng các thuốc bôi tiêu sừng nhẹ hoặc các chất giữ ẩm nhằm giúp làn da mềm mại hơn;
- Không dùng xà bông tắm bởi vì tính kiềm của xà bông sẽ gây kích thích da, cháu nên dùng các sản phẩm sữa tắm giữ ẩm không mang tính xà bông như Cetaphil, Saforell…
- Đặc biệt là hạn chế tối đa việc cọ xát trên bề mặt da tổn thương bởi vì động tác này sẽ làm cho bệnh nặng hơn.
Cháu nên đi khám để được điều trị đúng cách nhé!
Chúc cháu nhiều sức khỏe!

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan