Sản Phụ Khoa

Em chào bác sĩ ạ. Em sinh cháu đầu lòng được tròn tháng rồi ạ. Trong quá trình chuyển dạ, do mãi em mới mở 2 phân nên bác sĩ tiêm 2 mũi kích đẻ (cách nhau chừng 3 tiếng). Nhưng vì quá đau nên sau đó bác sĩ đã phải dùng biện pháp SINH KHÔNG ĐAU cho em. (bác sĩ bắn gì ở sau lưng em, thấy đau đau, tê tê như điện giật). Em cũng không hiểu lắm về biện pháp này.rnVậy xin bác sĩ cho biết là biện pháp SINH KHÔNG ĐAU như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng của em không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ ạ.

Kim Thoa

(2014/01/09 00:34)

Chào bạn,
Kỹ thuật “đẻ không đau” là gì?
Kỹ thuật đẻ không đau là phương pháp tiêm thuốc gây tê vào vùng cột sống thắt lưng (vùng thần kinh chi phối các cảm giác đau từ vùng bụng trở xuống). Nhờ tác dụng của thuốc tê, các cơn gò tử cung vẫn xảy ra đều đặn và thúc đẩy cuộc chuyển dạ nhưng sản phụ sẽ không có cảm giác đau đớn. Phương pháp này rất hữu ích cho sản phụ có các bệnh như cao huyết áp, bệnh tim…và hoàn toàn không ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
Sản phụ sẽ được yêu cầu nằm nghiêng bên trái và cong người càng nhiều càng tốt. Tư thế này hơi khó khăn với tình trạng bụng to, nhưng sẽ làm dễ dàng cho việc tiêm thuốc vào vùng cột sống. Sau khi tiêm thuốc, sản phụ sẽ được theo dõi các cảm giác đau. Nơi tiêm thuốc được lưu đường truyền phòng ngừa sẽ phải dùng thêm thuốc khi chuyển dạ kéo dài. Như mọi cuộc sanh khác, nếu tiến triển tốt thì tự sản phụ có thể sanh thường; nhưng nếu khó khăn, có thể yêu cầu được mổ sanh hay sanh giúp để đảm bảo an toàn cho cả bé và mẹ (khi phải sanh mổ, chỉ cần thêm liều thuốc tê qua đường truyền để giảm đau trong lúc mổ)
Có gì bất lợi, khi chọn kỹ thuật đẻ không đau?
Có thể hơi chóng mặt, ớn lạnh hay lạnh run, buồn nôn hay nôn ngay sau khi tiêm thuốc. Đây là tình trạng không nguy hiểm và thoáng qua, có thể tự khỏi hay phải dùng thêm một vài thứ thuốc. Hoạt động chân có thể hơi nặng hay khó khăn sau tiêm thuốc. Tuy nhiên sau vài giờ, sản phụ có thể hoạt động trở lại như bình thường. Một số trường hợp có thể bị nhức đầu nhẹ, đau lưng trong thời gian hậu sản. Hiếm hơn, một số người có thể có cảm giác lạ vùng mông, đùi (như kiến bò, rát bỏng) trong thời gian ngắn hậu sản và sau đó sẽ tự khỏi. Kinh nghiệm thực hiện đẻ không đau tại bệnh viện Hùng Vương với hơn 2.000 bệnh nhân cho thấy các biến chứng của phương pháp này rất thấp.
Thường khi có nhu cầu đẻ không đau, bác sĩ khám sản phụ xem có phù hợp cho kỹ thuật này không (về bệnh lý của mẹ, tình trạng cuộc chuyển dạ, tình trạng con). Các sản phụ có bệnh lý về cột sống hay đang có tình trạng nhiễm trùng sẽ không được áp dụng phương pháp này.
Bạn có thể yên tâm về sức khỏe của mình nhé.
Chúc bạn sức khỏe.

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan