Tổng quan
Viêm gan E là bệnh gan do virus viêm gan E (HEV) gây nên. HEV là một loại virus chuỗi đơn RNA, dương và không có vỏ bọc. Virus viêm gan E lây truyền chủ yếu qua nước uống bị ô nhiễm. Viêm gan virus E là một bệnh thường tự giới hạn và khỏi trong vòng 4-6 tuần. Đôi khi, bệnh phát triển thành dạng kịch phát (suy gan cấp), có thể dẫn đến tử vong.
Triệu chứng
Thời kỳ ủ bệnh sau khi phơi nhiễm với virus viêm gan E là khoảng 3-8 tuần, trung bình là 40 ngày. Các giai đoạn của thời gian lây nhiễm là không rõ ràng. Virus viêm gan E gây viêm gan cấp một cách rời rạc và thành dịch. Sự nhiễm HEV có triệu chứng thường gặp nhất ở người trẻ tuổi từ 15-40. Sự nhiễm HEV thường gặp ở trẻ em, hầu như không có triệu chứng hoặc bệnh chỉ rất nhẹ, không có vàng da nên rất khó chẩn đoán.
Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của viêm gan E gồm: Vàng da (vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu và phân nhạt màu); Biếng ăn (ăn mất ngon); Gan to, ấn đau; Đau vùng thượng vị; Buồn nôn và nôn; Sốt.
Những triệu chứng của viêm gan virus E rất khó phân biệt với giai đoạn cấp của các viêm gan do virus khác và thường kéo dài trong 1-2 tuần. Trong trường hợp hiếm gặp, viêm gan E cấp tính có thể dẫn đến viêm gan tối cấp (suy gan cấp) và có thể gây tử vong. Viêm gan tối cấp thường hay xảy ra hơn ở phụ nữ trong thờ kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị biến chứng sản khoa và tử vong do viêm gan virus E. HEV có thể gây ra tỷ lệ tử vong 20% ở phụ nữ mang thai trong quý ba của thai kỳ. Viêm gan virus E mạn hiếm gặp và thường hay gặp ở những người bị kìm hãm miễn dịch (immunosuppressed people), đặc biệt là hay gặp ở bệnh nhân được ghép tạng. Sự tái hoạt động của viêm gan virus E mạn cũng chỉ gặp ở những bệnh nhân bị kìm hãm miễn dịch. Đôi khi viêm gan E mạn có thể gây xơ hóa hoặc xơ gan.
Chẩn đoán
Vì những triệu chứng của viêm gan virus E cấp rất giống với triệu chứng của các viêm gan do virus khác nên không thể chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng để có thể chẩn đoán phân biệt viêm gan E với các loại viêm gan virus khác. Chẩn đoán nhiễm viêm gan E thường dựa vào việc phát hiện kháng thể IgM và IgG đặc hiệu với virus này trong máu. Ngoài ra, một xét nghiệm nữa là phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược (reverse transcriptase polymerase: RT-PCR) có thể được thực hiện để phát hiện RNA của virus viêm gan E (HEV-RNA) trong máu và/ hoặc trong phân. Tuy nhiên, xét nghiệm HEV-RNA chỉ có thể được thực hiện ở các cơ sở xét nghiệm chuyên ngành. Viêm gan E nên được nghi ngờ khi bùng phát bệnh viêm gan do nguồn nước bị ô nhiễm, thường xảy ra ở các nước đang phát triển, đặc biệt bệnh có thể nặng hơn ở phụ nữ mang thai.
Điều trị
Vì viêm gan E thường tự giới hạn mà không cần điều trị nên nói chung bệnh nhân nhiễm HEV không cần được nhập viện. Tuy nhiên, việc nhập viện là cần thiết đối với những người bị viêm gan E tối cấp và việc nhập viện cũng cần được xem xét đối với phụ nữ mang thai có triệu chứng nhiễm HEV. Đối với viêm gan E cấp, cho đến nay, không loại thuốc nào có khả năng điều trị để làm thay đổi quá trình viêm gan E cấp tính. Các bác sĩ nên tư vấn các liệu pháp hỗ trợ. Bệnh nhân thường được khuyên nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng và chất lỏng, tránh uống rượu và cần xin tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc có thể gây tổn thương gan, đặc biệt là acetaminophen.
Đối với viêm gan E mạn, mặc dù ribavirin không phải là thuốc được quy định để điều trị viêm gan E, một số tác giả cho rằng nó có thể sử dụng để điều trị viêm gan E mạn. Việc sử dụng liều lượng thấp của ribavirin trong khoảng ba tháng có khả năng làm sạch HEV trong máu ở khoảng hai phần ba số trường hợp viêm gan E mạn. Các phương pháp điều trị khác có thể gồm peginterferon hoặc kết hợp giữa peginterferon và ribavirin. Sự nhiễm HEV mạn thường có liên quan đến liệu pháp kìm hãm miễn dịch, tuy nhiên, người ta còn biết rất ít về ảnh hưởng của các thuốc ức chế miễn dịch khác nhau trên sự nhiễm HEV mạn. Ở một số người được ghép tạng rắn, sự thải sạch vius có thể đạt được bằng cách làm giảm tạm thời mức độ kìm hãm miễn dịch.