Suy thận có nghĩa là thận bị bệnh hoặc tổn thương ở một phương diện nào đó hoặc bị già đi. Kết quả là thận làm việc không hiệu quả như trước nữa. Vì vậy, nhiều chức năng thận bị ảnh hưởng.
Hai thận nằm về phía bên ở phần trên của ổ bụng, phía sau ruột và cạnh hai bên cột sống. Mỗi thận có kích thước tương đương một quả cam lớn nhưng có hình hạt đậu. Động mạch lớn – động mạch thận – đưa máu đến mỗi thận. Động mạch chia thành nhiều mạch máu nhỏ (gọi là mao mạch) xuyên suốt thận. Ở phần vỏ thận, các mạch máu nhỏ chụm lại với nhau hình thành nên cấu trúc gọi là cầu thận.
Mỗi cầu thận có chức năng giống như một máy lọc. Cầu thận cho phép các sản phẩm thừa và một lượng nước, muối từ máu đi qua nó để vào trong một kênh nhỏ gọi là ống thận. Chất lỏng còn lại ở cuối mỗi ống gọi là nước tiểu. Nước tiểu đi xuống trong một ống dài nối từ mỗi thận đến bàng quang gọi là niệu quản. Nước tiểu được dự trữ trong bàng quang đến khi chúng ta đi tiểu thì được tống ra ngoài.
Chức năng chính của thận gồm:
- Lọc ra các sản phẩm thải từ máu, các sản phẩm này sẽ được thải ra ngoài qua nước tiểu.
- Giúp điều hoà huyết áp, một phần nhờ đưa nước ra khỏi cơ thể qua nước tiểu và một phần nhờ tạo ra nội tiết tố giúp điều hoà huyết áp
- Tạo ra một nội tiết tố được gọi là erythropoietin, có tác dụng kích thích tuỷ xương sản sinh hồng cầu, giúp ngăn chặn bệnh thiếu máu.
- Giúp giữ nhiều loại muối và hoá chất trong máu ở nồng độ thích hợp.
Dấu hiệu suy thận
Khi bị suy thận, thận sẽ không còn đảm nhiệm tốt các chức năng này nữa. Do đó việc nhận biết các dấu hiệu suy thận là điều rất quan trọng. Các triệu chứng và dấu hiệu suy thận cấp có thể giảm nước tiểu, thể hiện nước tiểu ít, thậm chí vô niệu. Xuất hiện phù ở mắt cá chân, chân do giữ nước. Có thể thấy mệt mỏi, khó thở, đau ngực, buồn nôn. Có thể bị co giật hoặc hôn mê trong trường hợp nghiêm trọng. Xét nghiệm urê, creatinin huyết tăng nhanh. Giai đoạn này có thể kéo dài 5 - 6 tuần, sau đó, nếu được điều trị, bệnh sẽ dần dần hồi phục (có lại nước tiểu, bắt đầu 200 - 300ml/24g). Tuy vậy, nhiều trường hợp suy thận cấp không có triệu chứng gì rõ rệt cho nên rất khó phát hiện, chỉ phát hiện được do tình cờ khi khám bệnh định kỳ hoặc vì một bệnh khác thông qua xét nghiệm máu, nước tiểu. Dưới đây là những dấu hiệu suy thận phổ biến.
Dấu hiệu suy thận - Rối loạn tiểu tiện
Khi lượng nước tiểu ít hơn, đó có thể là dấu hiệu thận đang gặp rắc rối. Mặt khác, nếu bạn đi tiểu nhiều vào đêm, bạn cũng có nguy cơ bị bệnh thận vì tình trạng này thường xuất hiện khi bộ lọc thận bị tổn thương.
Dấu hiệu suy thận - Tiểu ra máu
Nếu bạn bị tiểu đau, đó là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, nếu có lẫn máu trong nước tiểu, tốt nhất là nên đi kiểm tra vì có thể đây là dấu hiệu suy thận.
Dấu hiệu suy thận - Phù chân
Khi bàn chân và mắt cá chân bị sưng phù như quả bóng, bạn cần đi kiểm tra. Phù chân là dấu hiệu cảnh báo chức năng thận suy giảm, trong đó tình trạng giữ natri khiến chân bị phù lên.
Dấu hiệu suy thận – Chán ăn
Ăn không ngon, kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn là dấu hiệu đáng báo động khác. Tình trạng này xảy ra khi có sự tích tụ độc tố trong cơ thể, cuối cùng có thể dẫn tới suy thận.
Dấu hiệu suy thận - mắt sưng
Khi thận bị rò rỉ lượng lớn protein trong nước tiểu, mắt có thể bị sưng, phù. Khi tình trạng này xảy ra, bạn nên đi xét nghiệm máu hoặc kiểm tra thận.
Dấu hiệu suy thận - Co rút cơ
Mất cân bằng điện giải có thể do chức năng thận suy giảm. Vì vậy, nếu bạn bị co rút cơ cả ngày, đây có thể là dấu hiệu thận có vấn đề.
Dấu hiệu suy thận - Nước tiểu có bọt
Nước tiểu có bọt là dấu hiệu rõ ràng của suy thận. Bạn cũng sẽ thấy nước tiểu có mùi lạ và không nên bỏ qua dấu hiệu này.
Dấu hiệu suy thận - Ngứa da
Khi thận không thể duy trì được sự cân bằng khoáng chất và dinh dưỡng trong máu hợp lý, da sẽ trở nên ngứa. Nếu các loại kem và thuốc không giúp giảm tình trạng ngứa da, bạn cần đi khám bác sĩ
Để giúp chẩn đoán chính xác xem bạn có đang gặp phải các dấu hiệu suy thận mạn hay cấp hay không cần làm các loại xét nghiệm máu (nồng độ creatinin, urê huyết tương, canxi máu, điện giải đồ, men tiêu cơ vân creatin kinase…), xét nghiệm nước tiểu (xác định hồng cầu, bạch cầu tế bào ống thận, protein, urê, creatinin)… Cần chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc tốt hơn là chụp cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng. Nếu thấy cần thiết và điều kiện cho phép có thể sinh thiết thận khi nguyên nhân gây suy thận cấp chưa rõ ràng.
Biến chứng của suy thận cấp
Với suy thận cấp, tuổi càng cao bệnh càng nặng, dễ chuyển thành viêm thận mạn tính và có thể để lại di chứng đó là điều bất lợi cho NCT, đặc biệt lưu ý ở bệnh nhân tuổi cao, có bệnh mạch vành, đái đường hoặc ung thư. Bởi vì, trong đa số các trường hợp với người trẻ không để lại di chứng và không chuyển sang mạn tính.
Trước đây, tỉ lệ tử vong do suy thận cấp rất cao, có khi đến 90%. Hiện nay nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực lọc ngoài thận và kỹ thuật hồi sức, tỉ lệ tử vong còn khoảng 50%.
Suy thận cấp có thể gây toan chuyển hóa và tăng kali máu, phù phổi, nguy cơ suy dinh dưỡng. Có thể bị mắc nhiễm trùng bệnh viện do đặt ống thông tiểu, đặt catête gây viêm tĩnh mạch, tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
Lời khuyên cho bạn
Cần xác định nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt (chống sốc, duy trì huyết áp, loại bỏ các thuốc độc với thận, loại bỏ các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường niệu, chống nhiễm khuẩn…). Trường hợp nặng có thể chạy thận nhân tạo. Cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp (hạn chế muối, nước
Khi nghi ngờ mắc các bệnh về hệ tiết niệu (sỏi, viêm nhiễm, u chèn ép…), cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời