“Viêm nha chu” là một từ chuyên môn dùng để chỉ sự viêm nhiễm xung quanh răng hay nói cách khác là một sự nhiễm trùng nướu làm phá huỷ các mô nha chu. Viêm nha chu nghiêm trọng có thể khiến các cấu trúc xương ổ răng ( xương nâng đỡ quanh răng) từ từ mất đi.
Dấu hiệu và triệu chứng của viêm nha chu nặng.
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm nha chu nặng bao gồm:
- Viêm (sưng) nướu, nướu có thể bị sưng tấy tái phát nhiều lần.
- Nướu màu đỏ tươi, thỉnh thoảng có thể màu tím.
- Đau khi chạm nướu.
- Nướu bị tụt làm cho răng nhìn có vẻ dài hơn bình thường.
- Xuất hiện khoảng trống lớn giữa các răng.
- Có thể có mủ chảy ra giữa răng và nướu.
- Chảy máu khi đánh răng.
- Chảy máu khi dùng chỉ nha khoa.
- Hôi miệng.
- Mất răng.
- Cảm giác khác nhau giữa các răng khi cắn lại.
Mảng bám là nguyên nhân chính gây viêm nha chu nặng.
Mảng bám hình thành trên răng, đây là một màng vàng nhạt thường tồn tại trên răng. Nó được tạo ra do các vi khuẩn tìm cách bám dính vào bề mặt bị mềm. Chải răng có thể làm sạch các mảng bám nhưng chúng sẽ nhanh chóng xuất hiện lại trong 1 ngày hoặc nhanh hơn. Nếu không được làm sạch khỏi bề mặt răng, sau 2 hoặc 3 ngày, các mảng bám trở nên cứng dần trở răng vôi răng. Vôi răng hay còn gọi là cao răng thường rất khó làm sạch so với mảng bám và thường cần được thực hiện bởi nha sĩ vì bạn không thể tự làm sạch vôi răng. Mảng bám phát triển dần dần, phá huỷ răng và mô nha chu. Ban đầu, bệnh nhân có thể bị viêm nướu nặng. Tình trạng viêm nướu kéo dài có thể tạo ra các túi giữa nướu và răng. Vi khuẩn xâm nhập các túi này và tiết ra độc tố. Cơ thể sẽ tạo ra đáp ứng miễn dịch kéo theo sự phát phá huỷ xương và mô liên kết giúp giữ răng chắc, làm cho răng lung lay và có thể rơi ra ngoài.
Viêm nha chu nặng nếu không điều trị thường sẽ dẫn đến hậu quả mất răng, mặt khác còn có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay các bệnh khác gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trong nha khoa, viêm nha chu đáp ứng tốt nếu có sự phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan tới nướu và mô nha chu. Có 8 chuyên ngành lớn trong nha khoa mà nha chu học là một trong số đó. Trong hầu hết các trường hợp, viêm nha chu là có thể phòng tránh được. Viêm nha chu thường là hậu quả của việc vệ sinh răng miệng kém.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm nha chu nặng.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm nha chu nặng gồm:
- Hút thuốc – người hút thuốc lá có vẻ dễ bị viêm nướu hơn. Hút thuốc còn làm giảm hiệu quả điều trị bệnh.
- Thay đổi hóoc môn ở nữ – ở tuổi dậy thì hay thời kì mang thang và cho con bú là nhưng thời điểm mà hóoc môn của phụ nữ thay đổi. Sự thay đổi này làm tăng nguy cơ viêm nướu ở nữ giới.
- Tiểu đường – bệnh nhân tiểu đường có tỉ lê viêm nướu cao hơn người cùng độ tuổi.
- AIDS – người bị AIDS thường mắc nhiều bệnh về nướu.
- Ung thư – ung thư và các phương pháp điều trị ung thư có thể gây ra bệnh về nướu.
- Thuốc – một số loại thuốc gây tác dụng phụ làm giảm nước bọt sẽ gây tăng nguy cơ bị viêm nướu.
- Di truyền – một số người nhạy cảm hơn về mặt di truyền đối với bệnh về nướu.
Các phương pháp điều trị bệnh nha chu nặng.
Làm sạch mảng bám và vôi răng là điều tối cần thiết để phục hồi sức khoẻ nha chu. Đây là một điều trị quan trọng và cơ bản nhất luôn được thực hiện để điểu trị các bệnh viêm nha chu.
Mục tiêu chính của các các nha sĩ khi điều trị viêm nha chu nặng là làm sạch vi khuẩn trong các túi nha chu quanh răng và phòng chống sự phá huỷ xương và mô. Để đạt hiệu quả tốt nhất khi điêu trị, bệnh nhân cần phải hợp tác tốt với nha sĩ và đảm bảo việc chăm sóc vệ sinh răng miệng tốt. Điều này gồm chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày và sử dụng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần/ ngày. Nếu đã có các khe hở giữa các răng, bệnh nhân cần sử dụng một loại bàn chải đặc biệt gọi là bàn chải kẽ răng để làm sạch các khe này. Sử dụng tăm mềm nếu khe hở nhỏ. Đối với các bậnh nhân bị viêm khớp hoặc có vấn đề đặc biệt có thể dùng bàn chải điện để làm sạch tốt hơn. Điều quan trọng là bệnh nhân cần hiểu rằng viêm nha chu là 1 bệnh mãn tính. Do đó việc vệ sinh răng miệng tốt cần duy trì suốt đời. Đồng thời bệnh nhân nên khám răng định kỳ đều đặn. Dưới đây là một số thường dùng trong điều trị viêm nha chu nặng:
- Thuốc súc miệng kháng khuẩn được chỉ định (ví dụ: chlorhexidine) giúp kiểm soát vi khuẩn khi điều trị viêm nướu cũng như khi phẫu thuật. Sử dụng tương tự nước súc miệng hàng ngày.
- Chip kháng khuẩn – một mảnh nhỏ gelatin được tẩm đầy chlorhexidine đặt trong túi nha chu để làm giảm kích thước túi nha khoa. Chlorhexidine trong chip sẽ được giải phóng từ từ theo thời gian.
- Gel kháng sinh – một loại gel chứa doxycycline được chỉ định để kiểm soát vi khuẩn. Nó được bơm vào trong túi nha chu sau khi làm sạch vôi răng.
- Kháng sinh siêu nhỏ – các hạt rất nhỏ chứa minocycline được đặt vào túi nha chu sau khi làm sạch vôi răng để kiểm soát vi khuẩn và làm giảm kích thước túi.
- Thuốc ức chế enzyme – kiểm soát các enzyme phá huỷ bằng một liều thấp doxycycline. Sử dụng dạng uống kết hợp với cạo vôi và làm sạch bề mặt chân răng.
- Thuốc kháng sinh dạng uống – chỉ định uống hàng ngày trong một thời gian ngắn đối với tình trạng viêm cấp hay viêm tại chỗ.
Cần lưu ý:
- Không được sử dụng thuốc giảm đau aspirin, nhóm thuốc kháng viêm non-steroid và nhóm thuốc corticosteroid cho người có tiền sử viêm loét dạ dày.
- Việc sử dụng các thuốc trên có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, nên người bệnh cần tuân theo đúng chỉ định điều trị của thầy thuốc và tránh tự ý sử dụng.
- Ngoài việc điều trị bằng thuốc, việc phòng ngừa VNC như: vệ sinh răng miệng thật tốt, cạo vôi răng định kỳ từ 6 - 12 tháng một lần, không hút thuốc, đi khám răng đều đặn…
Nếu viêm nha chu nặng và việc vệ sinh răng miệng tốt hay các phương pháp không phẫu thuật đã được thực hiện nhưng vẫn không có tiến triển tốt, có thể cần thực hiện các phương pháp phẫu thuật.
- Phẫu thuật lật vạt – để xử lý và làm sạch vôi răng dễ dàng đối với các túi nha chu sâu. Nướu được mở lên, bộc lộ vùng cần làm sạch trong khi đó phương pháp thông thường không thể đạt tới được. Sau đó, nướu được trả lại vị trí cũ. Khi nướu lành thương sẽ bám chặt quanh răng.
- Phẫu thuật ghép mô và xương – đầy là phương pháp giúp tái tạo phần mô và xương bị phá huỷ.
Các chuyên gia cho biết hiệu quả của ghép mô xương là rất khó đoán và khác nhau trong từng trường hợp. Hiệu quả điều trị viêm nha chu nặng phụ thuộc vào mức độ trầm trọng của bệnh và sự hợp tác chặt chẽ trong việc đảm bảo vệ sinh răng miệng của bệnh nhân cũng như một số yếu tố khác ( tình trạng hút thuốc lá).
Biến chứng của viêm nha chu nặng.
Biến chứng thường gặp nhất của viêm nha chu nặng là mất răng. Tuy nhiên, bệnh nhân viêm nha chu còn có nguy cơ dễ mắc các vấn đề về hô hấp, đột quỵ, bệnh mạch vành, và sinh nhẹ cân. Phụ nữ có thai bị nhiễm khuẩn do mắc bệnh nha chu (trung bình – nặng) có thể dẫn đến sinh con thiếu tháng. Bệnh nhân tiểu đường mắc bệnh viêm nha chu cũng khó kiểm soát lượng đường hơn.