Khớp gối có vị trí nằm ở đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương chày, mặt sau của xương bánh chè và được che phủ bởi sụn khớp. Vì vậy, khi vận động, khớp được trượt trên bề mặt của các sụn này. Mặt khác khớp gối là khớp rất quan trọng, bởi vì, nó chịu lực tác động của toàn bộ cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất so với các khớp khác, chính vì thế, nó rất dễ bị thoái hóa.
Thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp gối là hiện tượng thoái hóa loạn dưỡng của khớp gối, trước hết được biểu hiện sự biến đổi ở bề mặt sụn khớp, sau đó là biến đổi ở bề mặt khớp, hình thành các gai xương, cuối cùng dẫn đến biến dạng khớp gọi là hư khớp, ảnh hưởng lớn đến vận động.
Ở giai đoạn đầu, khớp gối chưa hư ngay do dịch trong bao khớp chưa bị ảnh hưởng nhiều (chưa hao hụt nhiều). Khi khớp bị thương tổn nhiều, làm ảnh hưởng đến bao khớp (biến đổi ở bề mặt khớp, hình thành gai xương…), dịch khớp sẽ càng ngày càng kém đi cả về lượng và chất. Vì vậy, làm cho độ ma sát giữa các đầu khớp sẽ tăng lên, trong khi lực tác động của trọng lực cơ thể vẫn không đổi hoặc tăng lên (tăng cân, béo phì…), càng ngày mặt sụn khớp gối càng bị hao mòn dần dần, dẫn đến hẹp khe khớp ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp gối gây đau, vận động khó khăn. Một số trường hợp do mất sụn khớp hoàn toàn cho nên sự tiếp xúc chỉ xảy ra giữa xương với xương nên rất đau, nhất là khi cử động, vận động cơ thể.
Lão hóa chính là nguyên nhân chính gây thoái hóa khớp gối.
Thực ra khớp gối ở người trẻ cũng có thể bị thoái hóa do chấn thương không hồi phục gây ra. Tuy vậy, đại đa số thoái hóa khớp gối thường xảy ra ở người lớn tuổi, đặc biệt là người cao tuổi. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối rất đa dạng, thường hay gặp nhất là lão hóa bởi tuổi tác, nhất là ở những người có tiền sử lao động chân tay nặng nhọc, mang vác nhiều (công nhân bốc vác…), đứng lâu do nghề nghiệp, công việc hoặc béo phì càng ngày càng tăng cân, đặc biệt là những người bị béo phì từ lúc còn trẻ, tăng dần theo tuổi tác cho đến khi già. Nhiều trường hợp thoái hóa khớp gối do bị chấn thương khớp gối (đứt dây chằng khớp gối, vỡ, nứt lồi cầu dưới xương đùi hoặc xương chày hoặc nứt, vỡ xương bánh chè…). Thoái hóa khớp gối có thể do yếu tố thuận lợi của trục chi dưới, bởi bất thường về giải phẫu (hoặc lệch sang trái hoặc lệch sang phải) hoặc do tổn thương ở khớp gối bởi các nguyên nhân do viêm nhiễm (nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp…). Ngoài ra, thoái hóa khớp gối có thể bởi chấn thương xương đùi, xương chậu (vỡ, rạn, nứt, gãy…).
Đau khớp gối chính là triệu chứng điển hình của thoái hóa khớp gối.
Đau ở khớp gối là dấu hiệu xuất hiện sớm nhất (đau quanh khớp gối hoặc chỉ đau một vài điểm) của thoái hóa khớp gối, lúc đầu đau chỉ xuất hiện nhẹ, nhất là lúc đi lại nhiều, hoặc lúc lên xuống cầu thang hoặc lên dốc. Đau thường xuất hiện vào ban đêm. Khớp gối có thể bị sưng lên do viêm hoặc do tràn dịch khớp, nếu được chọc hút dịch ra, đau sẽ giảm nhưng có thể tái phát vài ngày sau đó. Càng về sau, người bị thoái hóa khớp gối có thể bị cứng khớp, biểu hiện rõ nhất là lúc sáng sớm, lúc vừa ngủ dậy làm cho vận động khó khăn, đau khớp, nếu xoa bóp, co duỗi, sau một thời gian ngắn, hiện tượng cứng khớp sẽ giảm, đỡ đau hơn và đi lại bình thường, nhưng ngày hôm sau có thể lại xuất hiện giống như ngày hôm trước.
Cứng khớp là hậu quả, là thể hiện biến chứng ban đầu của thoái hóa khớp gối. Cứng khớp sẽ ngày một gia tăng làm hạn chế vận động, hạn chế gấp, duỗi khớp gối càng về sau có thể làm biến dạng khớp gối (chi dưới bên khớp gối thoái hóa bị cong, vẹo vào trong hoặc ra ngoài). Cứng khớp và biến dạng khớp càng ngày càng rõ rệt hơn, vì vậy, đi lại khó khăn, thậm chí phải dùng nạng hoặc phải có người hỗ trợ mới đi lại được.
Để chẩn đoán thoái hóa khớp gối, có thể chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), tốt hơn là chụp cộng hưởng từ (MRI). Trong trường hợp sưng khớp, có thể siêu âm khớp; nếu có đủ điều kiện vô trùng tuyệt đối, có thể chọc hút thăm dò…
Cần đi khám ngay khi phát hiện dấu hiệu thoái hóa khớp gối
Khi thấy bất thường ở khớp gối nên đi khám, tốt nhất là khám chuyên khoa khớp. Nguyên tắc điều trị thoái hóa khớp là giảm đau như: chiếu đèn hồng ngoại, dòng điện giảm đau, sóng siêu âm giảm đau, chườm nóng (túi chườm, khăn có nước ấm…) và tập co duỗi nhẹ nhàng, xoa bóp làm nóng khớp nhất là vào buổi sáng, lúc vừa ngủ dậy. Giảm phù nề bằng thuốc. Điều trị bằng ngoại khoa (thay khớp gối với mục đích thay sụn khớp gối) khi thật cần thiết do điều trị nội khoa không có hiệu quả. Với người béo phì cần giảm cân. Ngoài ra, người bị thoái hóa khớp gối cần tránh ngồi xổm, đứng lâu, tránh mang vác nặng, hạn chế lên xuống cầu thang, hạn chế leo dốc (miền núi). Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bởi vì khi đã tuổi cao, việc tiêu hóa, hấp thu thức ăn có khó khăn hơn lúc trẻ.
Cần tránh cho khớp gối bị quá tải bởi mức độ vận động và trọng lượng quá mức bằng giảm các vận động chịu tải, giảm béo. Trường hợp cần thiết, bệnh nhân nên đi nạng 1 hoặc 2 bên.
Vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau tốt, với mục đích chữa tư thế xấu và duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp, điều trị đau gân và cơ kết hợp tăng sức mạnh của cơ. Các biện pháp bao gồm mát-xa cơ, tập vận động khớp và các biện pháp dùng nhiệt lượng (hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân...).
Thay đổi nghề nghiệp của bệnh nhân nếu có thể, như lựa chọn nghề ít đi lại, ít chịu tải trọng, tìm các biện pháp cho bệnh nhân thích nghi với điều kiện làm việc.
Về tập luyện: Có thể tập các bài tập như chạy bộ khi khớp chưa có tổn thương Xquang, nghĩa là khe khớp vẫn còn bình thường. Chú ý tránh đi bộ nhiều trong giai đoạn khớp gối đang đau. Đây là một sai lầm mà nhiều bệnh nhân hay mắc phải. Bơi hoặc đạp xe đạp tại chỗ là các biện pháp tập luyện tốt.
Thuốc điều trị bao gồm các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc paracetamol kết hợp codein (efferalgan codein). Trường hợp không đáp ứng thì dùng phối hợp thuốc giảm đau chống viêm không steroid toàn thân (uống hoặc tiêm) hoặc bôi tại chỗ; hoặc dùng corticoid tiêm nội khớp với hiệu quả tương đối tốt. Lưu ý tiêm khớp phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và tiến hành tiêm trong điều kiện vô khuẩn tuyệt đối.
Điều trị ngoại khoa thoái hóa khớp gối
Bao gồm nội soi khớp, đục xương chỉnh trục, thay một phần hoặc toàn bộ khớp gối. Điều trị ngoại khoa thường được chỉ định với các trường hợp khớp gối hạn chế chức năng nhiều, khe khớp hẹp nặng, biến dạng khớp hoặc đau khớp kháng lại với các phương thức điều trị nội khoa.
Điều trị qua nội soi khớp: Bằng nội soi khớp gối, người ta có thể rửa khớp loại bỏ các yếu tố gây viêm, lấy bỏ các dị vật trong khớp (có thể là các mẩu sụn khớp bị bong ra, hoặc các thành phần bị canxi hóa), gọt giũa bề mặt không đều của sụn, cắt bỏ các sụn chêm bị tổn thương.
Cũng thông qua nội soi khớp có thể tiến hành ghép sụn lên bề mặt của sụn bị thoái hóa. Miếng sụn ghép được lấy từ sụn lành ở chính khớp gối soi (với diện tích nhỏ, ở nhiều vị trí trên khớp sao cho không gây ra một thoái hóa khớp thứ phát mới); hoặc người ta lấy sụn ra nuôi cấy ở môi trường thích hợp bên ngoài, nhằm mục đích nhân lên các tế bào sụn; hoặc tạo ra sụn từ các tế bào gốc. Sau khi đạt được thể tích sụn nhất định sẽ đem cấy ghép vào bề mặt sụn tổn thương. Mảnh sụn ghép sẽ phát triển do được nhúng vào các vùng xương được tưới máu. Kết quả bề mặt sụn bị thoái hóa được phủ bởi lớp sụn mới. Tuy nhiên hiệu quả đạt được của các kỹ thuật ghép sụn trên còn chưa cao, do đó chưa áp dụng rộng rãi.
Đục xương chỉnh trục ở xương chày hoặc xương đùi là kỹ thuật tốt để sửa chữa các khớp bị lệch trục như khớp gối vẹo vào trong hoặc cong ra ngoài.
Thay khớp gối nhân tạo từng phần hoặc toàn phần: Chỉ định đối với các trường hợp thoái hóa khớp gối nặng mà các biện pháp điều trị khác không hiệu quả.
Dự phòng thoái hóa khớp.
Để dự phòng thoái hóa khớp cần tránh ngồi các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động. Tránh các động tác mạnh, đột ngột khi mang vác hoặc lao động nặng đồng thời điều chỉnh cân nặng ở trọng lượng lý tưởng
Ngay khi có triệu chứng đau vùng gối, bệnh nhân cần đi khám ngay để được chụp X-quang, phát hiện và điều trị những tổn thương ở khớp gối, ngăn ngừa bệnh âm thầm phát triển, có thể dẫn đến không đi lại được.
Đây là bệnh cần điều trị lâu dài, vì vậy bạn cần thực hiện theo các chỉ dẫn của bác sĩ, ngoài ra lưu ý tái khám sau mỗi đợt điều trị, bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả trước và sau khi điều trị để có những chỉ định tiếp theo.