Bệnh tràn dịch màng phổi
Khoang màng phổi là một khoang ảo nằm giữa phổi và thành ngực. Bình thường nó cũng có một ít dịch mỏng bên trong có chức năng như hệ thống đệm giữa phổi và thành ngực, có hai lá: lá thành và lá tạng.
Khi có nhiều dịch hơn bình thường trong khoang màng phổi thì được gọi là tràn dịch màng phổi. Ở Mỹ hàng năm có khoảng trên một triệu người bị tràn dịch màng phổi. Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác, số lượng người bị tràn dịch màng phổi mà dân gian hay gọi là phổi có nước cũng khá nhiều. Bệnh gây nhiều hệ lụy nguy hiểm và có thể đưa đến tử vong.
Bệnh tràn dịch màng phổi nguyên nhân do đâu?
Vậy nguyên nhân tràn dịch màng phổi là gì?
Bệnh tràn dịch màng phổi là biến chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Một số nguyên nhân thường gặp của tràn dịch màng phổi (còn có những nguyên nhân ít gặp khác) bao gồm:
- Tình trạng viêm ở phổi và màng phổi. Viêm phổi, lao phổi và bệnh ung thư có thể gây ra tràn dịch màng phổi.
- Một số bệnh viêm khớp cũng có thể gây viêm màng phổi. Ví dụ, tràn dịch màng phổi là một biến chứng ít gặp của bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE).
- Suy tim gây tăng áp lực trong các tĩnh mạch. Điều này làm dịch dễ thoát ra khỏi mạch máu. Phù chân là dấu hiệu điển hình của suy tim, nhưng tràn dịch màng phổi cũng có thể xuất hiện.
- Protein trong máu thấp cũng có thể làm dịch thoát ra khỏi mạch máu. Ví dụ, bệnh xơ gan và một số bệnh thận có thể làm giảm mức protein trong máu và dẫn đến tràn dịch màng phổi.
- Tràn dịch màng phổi do lao: Hay sốt về chiều, sút cân, có thể có lao phổi. Nước dịch vàng chanh, phản ứng rivalta dương tính (+), trong dịch có nhiều bạch cầu lymphô, bạch cầu đa nhân, có thể tìm thấy vi khuẩn lao. Mantoux (+).
- Viêm phổi - màng phổi: Sốt cao, đau ngực, ho có đờm. Chụp Xquang lồng ngực thấy tổn thương phổi và tràn dịch màng phổi. Chọc hút dịch có màu vàng chanh hoặc mủ đục. Vi khuẩn gây bệnh thường do tụ cầu vàng, phế cầu, liên cầu. Xét nghiệm máu, bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao. Điều trị kháng sinh, hút rửa màng phổi kết quả rất tốt.
- Tràn dịch màng phổi do amíp: Bệnh nhân có tiền sử lỵ amíp, đau bụng quặn, mót rặn, phân có máu mũi, gan to, sốt cao... Dịch có màu vàng chanh hoặc màu cà phê sữa. Có thể tìm thấy amíp trong dịch.
- Tràn dịch màng phổi do sán lá phổi (paragonimus westermann): Dịch thường vàng chanh, lượng dịch nhiều, có thể tìm thấy trứng sán trong dịch màng phổi hoặc trong đờm. Bệnh thường gặp ở vùng núi Tây Bắc, đồng bào có tập quán ăn cua sống hoặc nấu chưa chín.
- Tràn dịch màng phổi do ung thư: Gặp ở người lớn tuổi, hút thuốc lào, thuốc lá.
Dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh tràn dịch màng phổi
Có thể cảm thấy đau ngực nhưng tràn dịch màng phổi thường là không đau. Lượng dịch màng phổi có thể thay đổi khác nhau. Khi dịch màng phổi trở nên nhiều hơn, nó sẽ đè vào phổi, làm phổi không thể dãn nở hết khi hít thở. Điều này có thể gây nên cảm giác khó thở.
Bệnh nhân mắc bệnh tràn dịch màng phổi có thể ho khan hay ho có đàm nếu nguyên nhân gây bệnh tràn dịch màng phổi là viêm phổi. Nếu do ung thư phổi các cơn ho có thể kéo dài kèm theo khạc ra máu lẫn đàm, cơ thể suy kiệt.
Chụp X- quang giúp xác định bệnh tràn dịch màng phổi
Nếu nghi ngờ, bác sĩ của bạn sẽ cho chụp X-quang phổi là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng bệnh tràn dịch màng phổi rẻ tiền và hữu dụng nhất hiện nay trong việc chẩn đoán bệnh phổi có nước. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ dùng kim và ống chích chọc dò khoang màng phổi và lấy nước trong khoang màng phổi mang đi xét nghiệm tìm vi trùng, tế bào ác tính và xét nghiệm sinh hóa… để tìm nguyên nhân và bản chất của dịch khoang màng phổi. Việc tràn dịch có thể chỉ có một bên phổi, nhưng cũng có thể tràn dịch cả hai bên, tràn dịch có thể có số lượng ít vài trăm mililít đến rất nhiều có khi cả một hai lít dịch. một số trường hợp dịch có thể là mủ màu trắng sữa hay vàng đục tùy theo loại vi trùng gây ra tràn dịch màng phổi. Một số khác gặp tràn dịch khoang màng phổi trong chấn thương và dịch thường là máu không đông chảy ra từ các mạch máu và các tổn thương trong lồng ngực.
Điều trị bệnh tràn dịch màng phổi cần dựa trên nguyên nhân
Mục tiêu chính của điều trị bệnh tràn dịch màng phổi thường là giải quyết nguyên nhân gây nên tràn dịch màng phổi. Ví dụ, bác sĩ sẽ dùng thuốc kháng sinh cho nhiễm trùng phổi (viêm phổi), và sẽ có thể đề nghị hóa trị hoặc xạ trị đối với ung thư phổi. Việc điều trị có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân của tràn dịch. Nếu nguyên nhân cơ bản được điều trị thành công thì sẽ hết tràn dịch màng phổi. Nếu nguyên nhân cơ bản không thể điều trị, hoặc chỉ có thể được điều trị một phần, tràn dịch có thể tái phát trở lại sau khi đã được dẫn lưu hết.
Điều trị hậu quả của bệnh tràn dịch màng phổi
Tràn dịch lượng ít không gây triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chỉ cần theo dõi. Điều trị bệnh tràn dịch màng phổi thường chỉ cần thiết nếu tràn dịch gây ra các triệu chứng như khó thở.
Tràn dịch màng phổi lượng lớn gây khó thở cần được dẫn lưu. Điều này được gọi là hút dịch màng phổi. Đầu tiên, bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ trên da và thành ngực để giảm đau, sau đó dùng một cây kim hoặc ống để đâm xuyên qua thành ngực. Sau lần chọc tháo dịch này, các triệu chứng có thể được thuyên giảm.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, trừ khi nguyên nhân cơ bản được điều trị, bệnh tràn dịch màng phổi có thể tái phát trở lại trong vòng một vài tuần. Một trong những lựa chọn là lặp lại việc chọc tháo dịch khi các triệu chứng trở nên trầm trọng.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, các lựa chọn điều trị bệnh tràn dịch màng phổi có thể bao gồm:
- Xơ hóa màng phổi. Một loại hóa chất đặc biệt (một chất gây xơ hoá) được tiêm vào khoang màng phổi. Hóa chất này gây ra tình trạng viêm của màng phổi và giúp chúng ‘dính’ với nhau. Điều này giúp ngăn chặn tràn dịch màng phổi tái phát trở lại. Chất gây xơ hóa thường được sử dụng bao gồm tetracycline, bột talc vô trùng và bleomycin. Xơ hóa màng phổi thường được lựa chọn trong điều trị tràn dịch tái lập nhiều lần (tái phát) do ung thư.
- Đặt ống dẫn lưu màng phổi vĩnh viễn để dịch có thể thoát ra khi nó được hình thành.
- Phẫu thuật đặt ống nối (ống dẫn lưu bên trong cơ thể) để cho phép các dịch màng phổi chảy từ ngực vào khoang bụng. Điều này được gọi là dẫn lưu màng phổi màng bụng (shunt pleuroperitoneal). Phương pháp này ít được sử dụng.
- Bóc vỏ màng phổi. Đây là phẫu thuật để cắt bỏ màng phổi. Đôi khi nó được sử dụng ở những người bị tràn dịch do ung thư khi các lựa chọn điều trị khác đã thất bại.