1. TỔNG QUAN
Lao màng phổi là bệnh lý do vi trùng lao gây ra trong khoang màng phổi (bao bọc bên ngoài lá phổi là hai lá màng phổi, giữa hai lá này hình thành một khoang chứa một lớp dịch rất mỏng trong điều kiện bình thường).
2. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Lao màng phổi là một dạng của lao ngoài phổi (chiếm khoảng 20% số bệnh nhân lao các loại). Trong đó lao màng phổi chỉ chiếm chừng 20% trong số này. Gần một nửa số trường hợp lao màng phổi có lao phổi đi kèm theo. Tỷ lệ mắc bệnh lao màng phổi hàng năm tại Việt Nam ước tính từ 5-12 ca/ 100000 dân.
Lao màng phổi là bệnh nguy hiểm, vì có thể gây suy kiệt, gây suy hô hấp do tràn dịch màng phổi lượng lớn làm xẹp phổi và có thể dẫn đến tử vong. Do gần một nửa số bệnh nhân có lao tại phổi kèm theo nên bệnh nhân có thể gặp các biến chứng của lao phổi như ho ra máu (do ổ vi trùng lao ăn vào mạch máu phế quản và gây chảy máu ồ ạt). Ngoài ra với bệnh nhân nhiễm HIV, lao màng phổi cũng rất thường gặp, vi trùng lao có thể thúc đẩy diễn tiến nhiễm HIV và bệnh nhân nếu mắc lao màng phổi có thể nhanh chóng đi vào giai đoạn AIDS.
3. CHẨN ĐOÁN
Khi mắc lao màng phổi, người bệnh thường bị sụt cân không rõ nguyên nhân, hay vã mồ hôi đêm, mệt mỏi , chán ăn, sốt về chiều. Những triệu chứng này khá mơ hồ và chưa thể giúp bác sĩ xác định ngay bệnh lao vì có nhiều bệnh khác cũng có triệu chứng tương tự như các loại ung thư, bệnh tự miễn, một số bệnh nhiễm trùng mạn tính. Những triệu chứng giúp bác sĩ nghĩ đến lao màng phổi bao gồm khó thở và đau ngực. Khó thở thường tăng dần theo thời gian, khó thở thường tăng khi nằm nghiêng về bên phổi lành và giảm bớt khi nằm nghiêng về bên có tràn dịch màng phổi. Đau ngực trong lao màng phổi có tính chất đau nhói như dao đâm, đau tăng nặng khi hít thở mạnh hay khi ho mạnh làm bệnh nhân rất khó chịu, vị trí đau thường tại một chỗ và bệnh nhân dễ dàng xác định vị trí đau bằng cách chỉ ngón tay. Hai triệu chứng này giúp gợi ý đến bệnh ở màng phổi. Bệnh nhân lao màng phổi tuổi thường trẻ, từ 20-40, đây là yếu tố giúp bác sĩ nghĩ đến lao vì ở độ tuổi này, ung thư tai màng phổi rất hiếm gặp, tuy vậy, vẫn còn một số nguyên nhân khác có triệu chứng tương tự, xuất hiện ở cùng độ tuổi này như các bệnh tự miễn.
Để chẩn đoán chính xác lao màng phổi, bác sĩ sẽ dùng các xét nghiệm xác định sự tồn tại của vi trùng lao và tổn thương do lao. Sự hiện diện của vi trùng lao thể hiện qua việc phát hiện vi khuẩn lao trong mẫu đàm (chỉ trong trường hợp bệnh nhân mắc lao phổi cùng lúc). Ngoài ra, bác sĩ có thể lấy dịch màng phổi nếu lượng dịch đủ nhiều và đem đi làm xét nghiệm tìm vi khuẩn lao. Thường sử dụng nhất là làm xét nghiệm tìm một chất tên ADA trong dịch màng phổi. Khi ADA trên 40 IU/L và bệnh nhân trong độ tuổi 20-40, chẩn đoán lao sẽ được xác lập. Dịch có thể được đem đi cấy và chờ trong nhiều tuần để tim sữ phát triển của vi khuẩn lao trên đĩa cấy. Trong một số trường hợp cần điều trị khẩn, bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm PCR khuếch đại các gene của vi khuẩn lao trong mẫu nếu có, qua đó giúp khẳng định sự tồn tại của vi khuẩn lao. Trong một số ít trường hợp, tất cả các xét nghiệm trên đều ra kết quả âm tính, nhưng nếu lâm sàng nghi ngờ nhiều, bác sĩ có thể chọn một trong hai cách: nội soi màng phổi và sinh thiết mô màng phổi nghi ngờ, sau đó quan sát dưới kính hiển vi, hoặc cho điều trị thử và đánh giá hiệu quả điều trị.
4.ĐIỀU TRỊ
Điều trị lao màng phổi, cũng giống như điều trị lao phổi, phải điều trị phối hợp cùng lúc nhiều thuốc trong một thời gian dài, có vi khuẩn lao rất khó khống chế và rất dễ sinh kháng thuốc. Phác đồ điều trị lao màng phổi hiện nay gồm hai tháng điều trị tấn công nhằm mục đích giảm nhanh số lượng vi khuẩn, và bốn/sáu tháng điều trị duy trì nhằm diệt trừ toàn bộ lượng vi khuẩn còn sót lại (Có hai phác đồ- một phác đồ điều trị duy trì 4 tháng, phác đồ còn lại điều trị duy trì trong 6 tháng). Thực tế, tại Việt nam, các dòng kháng thuốc đang nổi lên và gây khó khăn cho điều trị, vì các thuốc kháng sinh dùng cho những trường hợp này khá độc và bắt buộc phải dùng kéo dài 18-24 tháng liên tục.
Điều trị bệnh lao còn cần cải thiện chế độ dinh dưỡng, luyện tập và điều trị các bệnh kèm theo. Chế độ ăn uống cần đầy đủ, người bệnh được khuyến khích tập luyện thể lực phù hợp với khả năng. Nếu mắc các bệnh làm hệ miễn dịch bị suy yếu như HIV hay đái tháo đường, cần tuân thủ phác đồ điều tri do bác sĩ đề ra.
5. PHÒNG NGỪA
Chích ngừa lao cho trẻ em dưới một tháng tuổi không giúp ngăn ngừa hoàn toàn lao, nhưng giúp làm giảm tỷ lệ mắc lao ngoài phổi trên phương diện cộng đồng (kể cả lao màng phổi). Nếu trong gia đình có người thân mắc lao màng phổi, người đó chỉ có thể lây nhiễm lao khi có kèm lao phổi. Bệnh nhân lao màng phổi đơn thuần không phải là nguồn lây bệnh cho những người xung quanh. Trường hợp có lao màng phổi phối hợp lao phổi và bác sĩ xác định có nguy cơ lây nhiễm (khi lượng vi trùng trong mẫu đàm lớn), cần hạn chế sự tiếp xúc giữa người bệnh với những đối tượng như trẻ em, người già, người mắc đái tháo đường không kiểm soát… vì những đối tượng này có sức đề kháng với vi trùng lao yếu. Việc hạn chế tiếp xúc thường chỉ trong khoảng thời gian bệnh nhân lao đang được điều trị tấn công. Sau khi hết giai đoạn tấn công và xét nghiệm đàm không còn tìm thấy vi trùng lao, việc hạn chế tiếp xúc không còn cần thiết nữa.
Nguồn: BS.NPH - Finizz