Viêm phổi là tình trạng tổn thương cấp tính, lan tỏa 2 bên phổi gây rối loạn trao đổi khí tại phổi, dẫn đến suy hô hấp. Trẻ em cũng là đối tượng dễ mắc bệnh này. Để có cách chữa bệnh viêm phổi ở trẻ hiệu quả, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện để có phương pháp chữa trị phù hợp. Do đặc tính đường hô hấp ở trẻ ngắn, nên khi viêm phổi dễ lan tỏa rộng và lan xa nhanh dẫn tới bệnh diễn tiến nhanh và nặng. Vì vậy viêm phổi ở trẻ em tỏ ra nguy hiểm hơn so với người lớn.
Viêm phổi (còn gọi viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ) là bệnh viêm các phế quản nhỏ, phế nang và các tổ chức quanh phế nang. Ở Việt Nam, trẻ viêm phế quản phổi chiếm 30-34% các trường hợp đến khám và điều trị tại bệnh viện. Tử vong do viêm phổi chiếm 75% trong các bệnh lý hô hấp.
Các nguyên nhân gây viêm phổi:
- Do virus: Chiếm 60-70% các trường hợp thường gặp. Virus hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm và adenovirus.
- Vi khuẩn: Phế cầu, liên cầu, haemophilus, tụ cầu và các vi khuẩn không điển hình.
- Hay xảy ra ở trẻ dưới một tuổi, đẻ non, thiếu cân, suy dinh dưỡng, còi xương, bị bệnh hô hấp mạn tính, sống trong môi trường ô nhiễm.
Triệu chứng:
- Sốt, trẻ sơ sinh xuất hiện hạ thân nhiệt, mệt mỏi, ăn kém, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, ho, ho khan hoặc có đờm xanh, khó thở.
- Nhịp thở nhanh so với lứa tuổi. Đây được coi là dấu hiệu chính và xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi:
Dưới 2 tháng: ≥ 60 lần/phút
Từ 2 tháng đến 12 tháng: ≥ 50lần/phút
Từ 1-5 tuổi: ≥ 40lần/phút
Từ 5 tuổi trở lên: > 30 lần/phút
- Co rút lõm ngực, cánh mũi phập phồng, bác sĩ khám thấy ran bệnh lý ở phổi.
- Chụp phim có hình ảnh tổn thương phổi trên X-quang.
- Xét nghiệm có bạch cầu trong máu tăng, CRP tăng (CRP là một glycoprotein được gan sản xuất, bình thường không thấy protein này trong máu).
Điều trị:
- Khi các bà mẹ thấy con mình có các biểu hiện như trên nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, chụp X-quang, xét nghiệm máu và điều trị kháng sinh kịp thời. Tuyệt đối không tự ý điều trị kháng sinh ở nhà.
Nguyên tắc điều trị viêm phổi ở trẻ là chống nhiễm khuẩn, chống suy hô hấp, chăm sóc tốt:
- Tại nhà: Cha mẹ cần nhỏ mũi bằng dung dịch sát khuẩn nhẹ (natricloxit 9% độ), súc miệng hằng ngày cho trẻ. Có thể dùng một số loại kháng sinh khi có tình trạng nhiễm trùng như: penixilin, amoxilin, erythromycin... (tốt nhất nên dùng đường uống, dạng siro). Khi tình trạng bệnh không cải thiện thì nên đưa trẻ tới bệnh viện.
- Tại viện: Cha mẹ nên cho trẻ nằm điều trị nội trú tại bệnh viện, theo dõi sát diễn biến của bệnh và có biện pháp xử trí kịp thời. Nếu tìm được nguyên nhân gây bệnh thì dùng kháng sinh dựa theo kháng sinh đồ. Nếu không có kháng sinh đồ thì dựa vào lứa tuổi, diễn biến của bệnh mà lựa chọn các loại kháng sinh phổ rộng như: gentamycin, amoxilin, cefotaxim, cefuroxim..
- Điều trị hỗ trợ: Hạ nhiệt bằng paracetamon, chườm mát..., làm thông thoáng đường thở bằng cách hút đờm dãi, nằm đầu cao, nới rộng quần áo. Cho thở oxy khi trẻ có biểu hiện suy thở. Nếu tím tái nặng, ngừng thở thì có thể đặt ống nội khí quản, hô hấp hỗ trợ... Khi trẻ sốt cao kéo dài, có biểu hiện mất nước, cần truyền dịch.
- Chăm sóc: Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, đủ chất, số lượng vừa phải, tránh trào ngược. Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và cần phải theo dõi sát tình trạng khó thở, tím tái.
Ngoài việc tuân thủ theo cách chữa bệnh viêm phổi ở trẻ em theo chỉ định của bác sĩ, các bậc cha mẹ cần chú ý tới cách chăm sóc bé hàng ngày.
- Nơi ở phải đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt, ấm áp về mùa đông. Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, cho súc miệng hàng ngày. Không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Cách ly trẻ với người bị bệnh để tránh lây lan thành dịch.
- Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ qua chế độ ăn hàng ngày nhằm tăng cường sức khỏe.
- Đưa trẻ đi khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ nhằm kiểm tra tình trạng bệnh, xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường do bệnh gây ra, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Phòng tránh:
- Đảm bảo sức khỏe bà mẹ khi mang thai: Ăn đủ chất, khám thai định kỳ, tiêm phòng…
- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống của trẻ.
- Cho trẻ bú sớm, kéo dài.
- Tiêm chủng theo lịch.
- Đặc biệt cần phát hiện các dấu hiệu nhiễm khuẩn hô hấp nói chung và viêm phổi nói riêng để được điều trị kịp thời.