Mật là một loại dịch được tạo ra ở gan. Dịch mật bao gồm nhiều thành phần như: Sắc tố mật, muối mật, cholesterol và lecithin. Dịch mật đi qua những ống nhỏ gọi là ống mật. Các ống mật nối với nhau (giống như các nhánh của cành cây) để hình thành ống mật chính. Dịch mật chảy xuống túi mật, vào ống mật chủ và vào trong ruột.
Túi mật nằm dưới gan ở bên phải của phần bụng trên. Nó giống một túi đổ dịch mật vào trong ống mật chính. Nó còn là một nơi dự trữ dịch mật. Túi mật co bóp khi chúng ta ăn bằng cách đẩy dịch mật vào trong ống mật chủ. Dịch mật chảy trong ống mật chủ rồi đổ vào trong tá tràng (phần đầu tiên của ruột non tiếp sau dạ dày). Dịch mật giúp tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là các chất béo.
Viêm túi mật cấp là bệnh lý thường gặp.
Viêm túi mật cấp được định nghĩa đơn giản là tình trạng viêm của túi mật. Đây được xem là 1 trong những bệnh lý thường gặp làm bệnh nhân phải nhập viện. Phụ nữ có tỷ lệ bị bệnh viêm túi mật nhiều hơn nam giới.
Viêm túi mật cấp tính thường khởi phát bởi cơn đau quặn gan, sau đó diễn tiến đưa đến nhiễm khuẩn và tắc mật. Có khoảng 60 - 70% bệnh nhân với cơn đau đầu tiên tự lui bệnh. Tuy nhiên, những cơn đau kéo dài về sau sẽ đưa đến đau lan tỏa cả vùng hạ sườn phải, lan đến vùng bả vai phải, vai phải. Đau tăng khi ho và hít sâu, bệnh nhân thường nôn và chán ăn. Vàng da chỉ xuất hiện khi có viêm phù nề hoặc hạch chèn ép vào đường dẫn mật chính nên thường không có hoặc đến muộn.
Sỏi là nguyên nhân chính gây viêm túi mật cấp.
Hầu hết các trường hợp viêm túi mật cấp là do sỏi. Sỏi xuất hiện do dịch mật lắng đọng lại hình thành nên. Sỏi mật thường chứa chất béo (giống cholesterol) được đặc lại và cứng lên. Thỉnh thoảng sắt tố mật hoặc canxi lắng đọng lại hình thành nên sỏi mật. Số lượng sỏi có thể thay đổi từ vài sỏi đến nhiều sỏi. Đôi khi chỉ có 1 sỏi lớn được hình thành. Khoảng 1/3 nữ và 1/6 nam xuất hiện sỏi trong giai đoạn sống. Sỏi mật thường gặp hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi.
Khi có sỏi đường mật nhất là sỏi cổ túi mật hoặc giun chui đường mật sẽ gây tắc nghẽn đường mật, muối mật kích thích gây tổn thương thành túi mật, lúc đó vi khuẩn sẽ xâm nhập vào trong túi mật và phát triển gây ra viêm túi mật cấp. Sự căng của túi mật gây ra thiếu máu kèm viêm nhiễm có thể gây hoại thư túi mật. Một số hiếm trường hợp viêm túi mật không do tắc nghẽn như do chấn thương bụng vùng túi mật, trong đái tháo đường, viêm nút quanh động mạch, nhiễm khuẩn huyết. Hầu hết những người có sỏi mật thường không có triệu chứng và cũng không biết có sự hiện diện của chúng. Đa số trường hợp, những viên sỏi mật sống hòa bình trong túi mật và không gây hại gì. Tuy nhiên, một vài người có thể có vấn đề với sỏi mật.
Ngoài ra, viêm túi mật cấp cũng có thể gây ra do vi khuẩn, vi khuẩn thường gặp là E.coli, Klebsiella, Streptococcus nhóm D, Staphylococcus, và Clostridium.
Chẩn đoán viêm túi mật cấp.
Nếu bị viêm túi mật cấp khi khám vùng hạ sườn phải thường rất đau, túi mật to và đau trong khoảng 50% trường hợp, nghiệm pháp Murphy (+), có thể có dấu hiệu liệt ruột vùng hạ sườn phải. Xét nghiệm công thức máu: bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính cao. Bilirubin máu bình thường, trong trường hợp bilirubin máu cao thì có kèm thêm tắc hoặc viêm đường mật chính. Siêu âm là một chẩn đoán tốt, nhạy và chính xác, giúp chẩn đoán viêm túi mật cấp với hình ảnh túi mật to. Ngoài ra, siêu âm còn giúp chẩn đoán nguyên nhân như sỏi, giun và biến chứng như thủng, xuất tiết dịch quanh túi mật và trong ổ bụng, cũng như bệnh lý kèm theo của gan và tụy.
Viêm túi mật cấp điều trị ra sao?
Điều trị nội khoa: Nghỉ ngơi, truyền dịch để nuôi dưỡng và cân bằng nước điện giải. Dùng các thuốc giảm đau, giãn cơ trơn như nospa hay sparmaverin. Tùy theo tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ cho chỉ định dùng kháng sinh phù hợp
Điều trị ngoại khoa: Chỉ tiến hành mổ cấp cứu trong trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa mà tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng hoặc có biến chứng ngoại khoa như túi mật hoại tử, thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật. Hiện nay thường mổ túi mật qua đường nội soi.
Chế độ dinh dưỡng khi bị viêm túi mật cấp.
Khi bị viêm túi mật cấp tính, cần để cho túi mật nghỉ ngơi bằng cách loại bỏ hoặc giảm bớt các chất béo trong chế độ ăn và cả chất protid vì chúng làm cho túi mật tăng co bóp. Chế độ ăn chỉ nên có glucid như nước đường, nước quả, nước rau, cho thêm bột ngũ cốc, khoai nghiền. Nên ăn nhạt, nhiều chất xơ để chống táo bón, có thể cho ăn sữa đã tách bơ.
Trường hợp bị viêm túi có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, cần áp dụng một chế độ ăn nương nhẹ chức năng mật, tương tự như chế độ ăn nương nhẹ chức năng gan, cụ thể là hạn chế chất béo. Người bị viêm túi mật và đường mật mỗi ngày chỉ nên ăn thịt một lần, dùng loại thịt trắng và nạc, không có mỡ. Dùng thịt tươi, nấu đơn giản. Đạm thực vật (đậu, đỗ) nên ăn dưới dạng nghiền nát, ninh nhừ. Với các thức ăn giàu glucid, nên dùng nhiều vì dễ tiêu, không ảnh hưởng xấu đến mật, không dùng chocolate, ca cao, các thức ăn có trộn thêm trứng và bột (ví dụ bánh ngọt) vì gây khó tiêu.