Bệnh trĩ là hậu quả của sự phình to các tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn hoặc trực tràng. Tùy vào vị trí phình tĩnh mạch mà bệnh trĩ được chia thành hai loại.
- Bệnh trĩ nội là do các tĩnh mạch bên trong trực tràng phình lên. Trĩ nội thường không gây đau nhưng chúng có thể chảy máu. Trĩ nội cũng có thể bị sa xuống và lồi ra bên ngoài hậu môn. Chúng có thể tự quay trở lại vị trí bên trong trực tràng (độ 2), hoặc phải dùng tay đẩy trở lại bên trong (độ 3) hoặc thường trực nằm ngoài hậu môn (độ 4).
- Bệnh trĩ ngoại là do sự phình lên của các tĩnh mạch bên ngoài hậu môn. Chúng có thể gây ngứa hoặc đau (nếu có tắc mạch) và đôi khi có thể bị vỡ và chảy máu.
Nếu bạn mắc bệnh trĩ, bạn có thể cảm thấy một khối u mềm trên rìa của hậu môn. Bạn cũng có thể nhìn thấy máu sau khi đi cầu bằng cách nhìn trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu.
Điều trị bệnh trĩ dựa trên nguyên nhân
Để điều trị bệnh trĩ hiệu quả, trước hết bạn cần hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh. Bệnh trĩ là do gia tăng áp lực trong các tĩnh mạch hậu môn hoặc trực tràng. Một trong những nguyên nhân chính là do rặn quá mức lúc đi đại tiện vì táo bón hoặc tiêu chảy. Nó cũng có thể xảy ra nếu bạn ngồi trên nhà vệ sinh quá lâu. Béo phì, thường nâng vật nặng hay bất kỳ một hoạt động gắng sức nào cũng là nguyên nhân của bệnh trĩ.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh trĩ?
Hầu như ai cũng có thể mắc bệnh. Tuy nhiên có một vài yếu tố làm cho người này dễ mắc bệnh hơn người khác. Những người có cha hoặc mẹ từng mắc bệnh trĩ thường dễ phát bệnh hơn. Phụ nữ mang thai cũng dễ mắc bệnh trĩ vì sự tăng áp lực từ bào thai và khi sinh. Thừa cân, đứng nhiều hay nâng vật nặng thường xuyên có thể làm bệnh trầm trọng hơn.
Điều trị bệnh trĩ như thế nào?
Để phòng tránh và điều trị bệnh trĩ hiệu quả bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây
Điều trị bệnh trĩ thông qua việc phòng chống táo bón
Việc đầu tiên và nên làm hàng đầu trong phòng chống và điều trị bệnh trĩ là đừng để bị bệnh táo bón. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh trĩ trong đa số các trường hợp, phòng tránh táo bón sẽ giúp ngăn chặn bệnh trĩ trước khi nó hình thành.
- Ăn đủ chất xơ: Để không bị táo bón, chế độ ăn của bạn phải đủ lượng chất xơ, nước. Đây là 2 yếu tố quan trọng giúp làm mềm phân, người bệnh có thể đi vệ sinh dễ dàng hơn. Chất xơ có nhiều nhất trong các loại đậu, bánh mỳ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại ngũ cốc, trái cây tươi và rau.... Nếu chế độ ăn của bạn thiếu chất xơ hãy tư vấn bởi một bác sĩ, nếu cần thiết bác sĩ sẽ cho bạn thuốc hoặc thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ. Tuy nhiên có một lưu ý là người bệnh nên bổ sung hoặc ăn chất xơ từ từ, hợp lý nếu bạn không muốn bị đầy hơi. Uống nhiều nước: Bao gồm cả nước canh, nước hoa quả, cần đảm bảo lượng nước bổ sung cho cơ thể mỗi ngày từ 1,5- 2lít nước đối với người trưởng thành. Nước sẽ giúp cho phân mềm để khi đi vệ sinh phân dễ dàng đi qua hậu môn hơn. Nhưng uống nước cũng cần đúng cách, cần uống dải đều trong ngày, không để cơ thể mất nước quá lâu. Khi ngủ dậy cần phải bổ sung nước sau một đêm dài. Trước khi đi ngủ chỉ nên uống ít nước để tránh đi vệ sinh vào ban đêm gây mất ngủ. Nước ép mận là một trong những loại “thuốc nhuận tràng tự nhiên” cực kỳ hiệu quả mà bạn có thể thử nghiệm cho bản thân.
- Tập thể dục: Vận động là cách hiệu quả nhất giúp con người trao đổi chất trong cơ thể, giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động nhịp nhàng. Thường xuyên tập thể dục rất có lợi trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh trĩ. Có thể tập các bài tập aerobic hoặc đi bộ 20-30 phút mỗi ngày sẽ giúp bạn đi vệ sinh được dễ dàng.
- Dùng thuốc làm mềm phân- thuốc nhuận tràng: Thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng là loại thuốc mà người bệnh có thể mua và sử dung dễ dàng, tuy nhiên không nên lạm dụng dễ gây hậu quả xấu với sức khỏe. Khi bị táo bón mà các biện pháp nói trên không có hiệu quả hoặc người bệnh cảm thấy quá sợ khi phải đi vệ sinh, hãy sử dụng thuốc làm mềm phân. Có nhiều loại thuốc (có thể uống, hoặc thuốc thụt), tốt nhất nên cần sự tư vấn của bác sĩ vì mỗi đối tượng bệnh nhân (người lớn hoặc trẻ nhỏ) sẽ có loại thuốc nhuận tràng phù hợp.
- Duy trì thói quen vệ sinh hàng ngày: Việc duy trì thói quen đi vệ sinh vào một thời điểm trong ngày cực kỳ quan trọng với những người bị táo bón hoặc có nguy cơ mắc bệnh trĩ. Tuy nhiên không nên dành quá nhiều thời gian trong nhà vệ sinh, nếu sau 1 vài phút ngồi trong nhà vệ sinh bạn không thể đi ngoài được, không nên căng thẳng hoặc cố để rặn.
Khi buồn đi đại tiện, đừng cố giữ, hãy đi vệ sinh ngay. Hãy gạt những vấn đề về thời gian, địa điểm sang một bên, bởi nó sẽ làm bạn trở nên căng thẳng và áp lực hơn khi đi vệ sinh. Lời khuyên của các bác sĩ hậu môn trực tràng là hãy đi vệ sinh càng sớm càng tốt ngay khi bạn cảm thấy mắc đi đại tiện.
Điều trị bệnh trĩ thông qua giảm đau và ngứa
Một số gợi ý dưới đây có thể giúp bạn giảm đau, ngứa và hỗ trợ điều trị bệnh trĩ
- Tắm nước ấm: Ngâm hậu môn trong bồn tắm với một ít nước ấm khoảng 20 phút mỗi lần sẽ làm người bệnh dễ chịu, mỗi ngày có thể làm từ 2-3 lần, nhất là sau mỗi lần đi đại tiện. Lau khô nhẹ nhàng bằng vải hoặc khăn mềm, không chà xát ở vùng hậu môn. Có thể sử dụng chậu tắm ngồi để ngâm hậu môn dễ dàng hơn.
- Bôi kem: Có một số loại kem có thể hỗ trợ bạn khỏi các triệu chứng đau, ngứa khó chịu của trĩ. Cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, ví dụ như hydrocortisone không nên dùng quá 1 tuần.
- Chườm đá: Đây cũng là cách giúp giảm đau trong điều trị bệnh trĩ. Bạn có thể đặt một túi nước đá chườm nhiều lần mỗi ngày giúp giảm đau, sưng. Nếu những cách giảm đau nói trên không hiệu quả bạn cần tìm đến gặp bác sĩ. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ cho bạn cách giảm đau tốt nhất, có một số thuốc giảm đau thường dùng trong điều trị trĩ như acetaminophen hoặc ibuprofen.
- Thuốc kháng viêm. Sử dụng các thuốc kháng viêm, giảm đau như acetaminophen, ibuprofen hay aspirin
Điều trị bệnh trĩ bằng cách phẫu thuật
Trĩ thường tự hết đau trong 1-2 tuần. Nếu tiếp tục gây ra vấn đề, bạn nên tham vấn với bác sĩ xem có nên điều trị bệnh trĩ bằng cách phẫu thuật hay không. Thắt cao su có thể được áp dụng để điều trị bệnh trĩ nội, phương pháp này được thực hiện bằng cách thắt một hay hai vòng cao su nhỏ xung quanh góc của búi trĩ. Điều này ngăn dòng máu chạy đến búi trĩ làm chúng khô rồi tiêu đi.
Điều trị bệnh trĩ bằng cách phẫu thuật cắt bỏ trĩ (hemorrhoidectomy) có thể cần thiết nếu trĩ nội bị sa hoặc quá lớn (độ 3-4). Trĩ ngoại cần can thiệp phẫu thuật khi có biến chứng tắc mạch gây đau dữ dội.