Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em (hay còn gọi là sốt xuất huyết Dengue) là một loại bệnh truyền qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) xảy ra ở những vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. sốt xuất huyết Dengue dạng nhẹ thường gây ra sốt cao, nổi ban và đau cơ khớp. Dạng nặng hơn có thể gây chảy máu nghiêm trọng, hạ huyết áp đột ngột và tử vong.
Sốt xuất huyết ở trẻ em xảy ra phổ biến nhất ở vùng Đông Nam Á và các đảo Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, gần đây bệnh có xu hướng tăng lên ở vùng Caribe và châu Mỹ La tinh.
Tại Việt Nam, bệnh thường gặp ở các tỉnh thành phía Nam, xảy ra quanh năm với đỉnh điểm thường vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm.
Nguyên nhân gây sốt xuất huyết ở trẻ em
Virus dengue là nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết, loại virus này có 4 type (týp) huyết thanh, trong đó type 1 là loại phổ biến nhất ở Việt Nam.
Bệnh sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người. Chỉ muỗi Aedes aegypti cái mới có khả năng truyền bệnh. Khi muỗi cái chích người bệnh, virus sẽ từ máu người bệnh truyền vào cơ thể muỗi. Người lành sẽ có thể bị nhiễm virus khi bị muỗi mang virus chích phải. Bằng cách này, sốt xuất huyết sẽ phát tán trong cộng đồng.
Nếu đã bị sốt xuất huyết một lần, bệnh nhân sẽ có kháng thể kháng với virus ứng với type huyết thanh đã bị nhiễm nhưng vẫn có thể bị bệnh do virus với type huyết thanh khác. Vì vậy, bệnh nhân có thể bị sốt xuất huyết nhiều lần trong đời.
Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em
Thời gian ủ bệnh của sốt xuất huyết ở trẻ em thường trong vòng 4-10 ngày. Bệnh thường diễn tiến trong vòng 1 tuần và trẻ thường tự hồi phục sau đó. Triệu chứng và dấu hiệu của sốt xuất huyết ở trẻ em bao gồm:
- Sốt cao liên tục không rõ nguyên nhân (sốt lên đến 41°C)
- Nhức đầu
- Đau nhức cơ, đau khớp
- Đau sau hốc mắt
- Có thể có xuất huyết nhẹ: chấm xuất huyết trên da, chảy máu rang, chảy máu mũi
- Cảm giác buồn nôn, nôn ói.
Đa số các trường hợp sốt xuất huyết ở trẻ em đều có thể tự hồi phục sau khoảng 1 tuần mà không để lại biến chứng gì nghiêm trọng. Khoảng 5,6 ngày sau đó, trẻ có biểu hiện phát ban nhiều trên thân mình, hết sốt, có cảm giác thèm ăn trở lại và hồi phục dần. Tuy nhiên, ở một số trẻ bệnh có thể diễn tiến nặng hơn, biểu hiện bằng các triệu chứng như:
- Đau bụng nhiều
- Nôn ói liên tục
- Xuất huyết nặng: xuất huyết ở da, chảy máu răng, chảy máu mũi khó cầm, xuất huyết tiêu hoá (ói ra máu hay đi tiêu phân đen), tiểu ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, xuất huyết nội tạng…
- Suy giảm chức năng tim, phổi gan có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Yếu tố nguy cơ gây ra bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Sống hay đi du lịch đến các vùng nhiệt đới. Việc có mặt tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhất là các vùng có nguy cơ cao như Đông Nam Á, Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribe, làm tăng nguy cơ gặp virus gây nên sốt dengue. Tại Việt Nam, tất cả các tỉnh thành miền Trung và miền Nam (bao gồm cả Thành phố Hồ Chí Minh) đều là vùng có nguy cơ mắc bệnh cao.
Đã từng bị nhiễm virus dengue trước đó. Việc đã từng bị nhiễm virus gây sốt dengue làm tăng nguy cơ bị bệnh nặng hơn khi bạn bị nhiễm lần thứ hai, đặc biệt là ở trẻ em.
Biến chứng của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Mặc dù bệnh sốt xuất huyết không quá nguy hiểm, nhưng trong một số trường hợp bệnh có thể diễn tiến nặng hơn và có thể làm tổn thương phổi, gan hoặc tim. Huyết áp có thể tụt xuống mức nguy hiểm, gây sốc và trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Lúc nào nên đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Nên đi khám bác sĩ khi:
- Sốt cao liên tục trên 2 ngày
- Có biểu hiện xuất huyết: chấm đỏ ở da, chảy máu răng miệng, chảy máu mũi, ói ra máu, tiểu ra máu, đi tiêu phân đen, chảy máu âm đạo bất thường.
Khi nào cần đi tái khám ngay?
Nếu nghi ngờ bị mắc bệnh sốt xuất huyết, người bệnh cần được đưa đi tái khám ngay khi:
- Ói nhiều
- Đau bụng
- Có triệu chứng xuất huyết như chảy máu mũi, máu răng, chấm xuất huyết ở da, ói ra máu, đi tiêu máu, có kinh bất thường ở bé gái.
- Mệt đừ
- Tay chân lạnh
- Ít đi tiểu
Xét nghiệm và chuẩn đoán bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Trong giai đoạn sớm của bệnh, sốt xuất huyết tương đối khó chẩn đoán do triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng và dễ nhầm với các bệnh khác như sốt rét, sốt thương hàn. Trong những ngày đầu của bệnh, các xét nghiệm máu chưa có nhiều thay đổi. Các xét nghiệm này có thể phát hiện được bất thường từ khoảng ngày thứ 3 của bệnh. Vì vậy, bác sĩ thường hẹn tái khám để theo dõi bệnh tình.
Hiện nay có một loại xét nghiệm giúp phát hiện sớm sốt xuất huyết bằng cách tìm kháng nguyên NS1 của virus Dengue, có thể phát hiện bệnh ngay từ những ngày đầu. Tuy nhiên tại VN, không phải cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện được xét nghiệm này. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm âm tính không đồng nghĩa với việc không bị sốt xuất huyết. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là theo dõi xét nghiệm máu vào những ngày sau đó cho đến khi các bác sĩ loại trừ được hẳn khả năng bị sốt xuất huyết.
Cách điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết ở trẻ em. Nên cho trẻ uống nhiều nước để tránh bị mất nước do nôn ói và sốt cao. Paracetamol (Tylenol, Hapacol, Efferalgan) có thể giảm đau và hạ sốt. Tránh dùng các loại thuốc giảm đau có thể gây biến chứng xuất huyết như aspirin và ibuprofen
Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất ở trẻ em.
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết
Các cách phòng ngừa hiện đang áp dụng là:
- Phát quang bụi rậm, giữ nhà cửa sạch sẽ
- Xử lý các vùng ao tù hoặc có nước đọng
- Tránh các hoạt động ngoài trời ở nơi có nhiều muỗi
- Mặc quần áo dài tay khi ở trong vùng có nhiều muỗi
- Treo mùng khi ngủ
- Dùng kem chống muỗi