Thoát vị xảy ra khi một cơ quan lồi ra khỏi khoang chứa nó thông qua một lỗ tự nhiên hay bất thường. Thoát vị bẹn là trường hợp thoát vị xảy ra qua ống bẹn, một ống nối thông giữa bụng và bìu (ở nam) hoặc môi lớn (ở nữ).
Bệnh thoát vị bẹn là tình trạng hay gặp ở nam giới. Khi bị thoát vị bẹn ban đầu người bệnh cảm thấy tức vùng bẹn bìu, một bên bìu to lên không gây đau và tình trạng này thường diễn ra không liên tục. Khi người bệnh hạn chế vận động, nằm nghỉ thì không còn cảm giác tức vùng bẹn và khối bìu giảm xuống. Ðiều này dễ gây chủ quan cho người bệnh và khi bệnh nặng gây đau đớn do ruột sa xuống chèn ép các cơ quan trong khoang bụng thì bệnh đã có biến chứng nguy hiểm như thoát vị nghẹt, dễ gây hoại tử ruột.
Đại đa số trường hợp mắc bệnh thoát vị bẹn ở trẻ em là bẩm sinh. Các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột hoặc buồng trứng) sẽ đi xuống qua ống bẹn làm vùng bẹn bị phồng lên, chỗ phồng này chạy xuống dần về phía bìu hoặc đi vào trong bìu (ở nam) hoặc môi lớn (ở nữ).
Bệnh thoát vị bẹn chủ yếu là do bẩm sinh
Nguyên nhân thoát vị bẹn là do là ống bẹn và ống phúc tinh mạc không được bịt kín ngay khi trẻ chào đời (bẩm sinh). Đây là nguyên nhân chủ yếu, gây ra thoát vị bẹn. Bệnh chủ yếu ở nam giới (nam giới mắc thoát vị bẹn nhiều gấp 7 - 8 lần nữ giới). Ngoài ra còn có nguyên nhân mắc phải, do lao động nặng nhọc, mang vác làm tăng áp lực trong ổ bụng hoặc sau phẫu thuật ruột thừa, gãy xương chậu hoặc do thành bụng yếu bởi tuổi tác hoặc do táo bón lâu ngày khi đi đại tiện phải rặn mạnh. Vì vậy, thoát vị bẹn gặp ở mọi lứa tuổi do bẩm sinh hoặc do mắc phải (trẻ em, người lao động nặng, đặc biệt ở người có tuổi do thành bụng yếu hoặc táo bón lâu ngày). Tuy vậy, trong thực tế có một số trường hợp, không bị thoát vị bẹn mặc dù còn tồn tại ống phúc tinh mạc, điều này vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Biểu hiện của bệnh thoát vị bẹn như thế nào?
Thoát vị bẹn, không những thể hiện triệu chứng ở vùng bẹn mà còn ở bộ phận sinh dục ngoài như bìu (nam giới) hay môi lớn (nữ giới) và cả ở đùi.
Thoát vị bẹn xuất hiện khi có khối phồng lên ở vùng bẹn, thường diễn ra từ từ, cảm giác đau, nặng và khó chịu ở vùng bẹn, đó là dấu hiệu sớm nhất của bệnh. Dấu hiệu này ngày càng rõ, kèm theo việc xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn khi áp lực ổ bụng tăng lên (làm việc nặng, ho, rặn, chạy, nhảy...). Càng về sau khối thoát vị càng lớn và xuất hiện thường xuyên khi đứng, nhưng có thể biến mất khi nằm, nghỉ ngơi hoặc người bệnh hoặc người nhà (với trẻ em) tự đẩy khối thoát vị lên. Chính vì lý do này mà người bệnh hoặc người nhà của trẻ chủ quan. Trong trường hợp nam giới thoát vị bẹn (ruột chui vào bìu) hoặc nữ giới (buồng trứng chui vào khe hở) không tự lên được gọi là thoát vị bẹn nghẹt. Lúc này các tạng tụt xuống càng lúc càng rõ làm căng phồng, đau nhiều làm cho trẻ quấy khóc. Đặc biệt, toàn bộ bụng có thể đau quặn từng cơn, nhìn có thể thấy các quai ruột nổi lên, kèm theo có buồn nôn hoặc nôn, bụng càng ngày càng trướng. Nếu thoát vị bẹn nghẹt là quai ruột thì nguy cơ tắc ruột và hoại tử rất có thể xảy ra do thiếu máu nuôi dưỡng, cần cấp cứu kịp thời. Thoát vị bẹn thường gặp một bên. Tuy vậy, có trường hợp thoát vị bẹn cùng một lúc cả hai bên được gọi là thoát vị đôi.
Bệnh thoát vị bẹn có gây biến chứng không?
Bệnh thoát vị bẹn, nếu phát hiện và điều trị muộn có thể gây biến chứng như thoát vị nghẹt gây hoại tử ruột, mạc treo ruột, buồng trứng (nữ giới). Đây là trường hợp các tạng (ruột hoặc mạc treo của ruột, buồng trứng ở nữ giới) không di chuyển trở lại ổ bụng được, bị nghẹt tại vùng cổ túi hoặc do bị xoắn, dẫn đến thiếu máu nuôi, nếu không can thiệp phẫu thuật kịp thời, các tạng sẽ bị hoại tử. Ngoài ra thoát vị bẹn có thể là một trong các yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn (nam giới). Ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi, thoát vị bẹn không được giải quyết sớm, sẽ luôn lo lắng, đau đớn mỗi lúc thoát vị xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, lao động và cuộc sống.
Mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, khi nghi ngờ mắc bệnh thoát vị bẹn cần được thăm khám càng sớm càng tốt để tránh biến chứng nguy hiểm do thoát vị bẹn gây ra.
Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cần theo dõi biến chứng nghẹt một cách cần thận cho đến 1 tuổi và nếu không tự khỏi cần được khám để được chỉ định phẫu thuật. Ngày nay, thoát vị bẹn thường áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi với mục đích là bịt kín chỗ thoát vị không cho các tạng chui vào. Kỹ thuật này chủ yếu áp dụng cho trẻ em, với người trưởng thành thường được phẫu thuật đặt lưới hoặc có thể tiến hành bằng phương pháp mổ phanh (mổ mở) hoặc mổ nội soi. Với người cao tuổi sức yếu, đang mắc một bệnh nội khoa nặng nào đó (bệnh tim mạch, bệnh hô hấp…) có thể áp dụng băng treo bìu (nam giới) để đề phòng thoát vị tái phát.
Phát hiện bệnh thoát vị bẹn như thế nào?
Việc chẩn đoán thoát vị bẹn thường không khó. Bố mẹ của trẻ thường là người đầu tiên phát hiện ra tình trạng này ở trẻ. Khối thoát vị không phải có mặt thường xuyên mà chỉ xuất hiện và phồng to lên khi trẻ khóc, hoặc gắng sức làm gì đó (như đi cầu chẳng hạn). Khi trẻ ngủ hoặc được nghỉ ngơi thì khối thoát vị sẽ biến mất. Dấu hiệu xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn, trong bìu (ở nam) hoặc trong môi lớn (ở nữ) rồi biến mất một cách tự nhiên là biểu hiện điển hình của thoát vị bẹn ở trẻ.
Ở trẻ nhỏ không nên cố gắng phát hiện sự có mặt của ống bẹn bằng cách dùng ngón tay để kiểm tra sự tồn tại của ống này như ở người lớn vì cách khám này thường làm trẻ khó chịu, hơn nữa ở trẻ nhỏ ống bẹn cũng chưa định hình rõ.
Nên khám cho trẻ dưới 1 tuổi bằng cách cho trẻ nằm ngữa, duỗi thẳng hai chân và đưa hai tay lên quá đầu, tư thế này thường làm cho trẻ khóc và làm tăng áp lực ổ bụng do đó sẽ làm lộ rõ khối thoát vị.
Đối với trẻ lớn hơn nên khám cho trẻ ở tư thế đứng, tư thế này cũng làm tăng áp lực ổ bụng và làm lộ khối thoát vị.
Thoát vị bẹn được điều trị như thế nào?
Thoát vị bẹn không thể tự lành một cách tự nhiên mà phải được điều trị bằng phẫu thuật. Sau khi đã có chẩn đoán xác định, nên chuẩn bị cho việc điều trị bằng phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh biến chứng thoát vị bẹn nghẹt rất hay xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi.Nguyên tắc phẫu thuật là đưa trả tạng vào lại trong ổ bụng và khâu kín ống phúc tinh mạc lại.
Tất cả trẻ gái bị thoát vị bẹn, dù không đau nhưng nếu không xẹp đi khi trẻ ngủ thì phải mổ càng sớm càng tốt do tạng thoát vị là buồng trứng.
Ngoài ra, không nên cho trẻ mặt quần lót chật, không nên băng ép hoặc băng treo bìu cho trẻ thoát vị bẹn vì làm tăng nguy cơ teo tinh hoàn và thoát vị nghẹt.