Viêm tai ngoài là tình trạng viêm của ống tai ngoài (từ màng nhĩ ra ngoài vành tai) gây ra do môi trường trong tai bị ẩm ướt (do nước đọng lại trong tai) hoặc do trầy xước ống tai khi cào gãi, móc ráy tai. Những nguyên nhân nói trên làm thay đổi môi trường bảo vệ trong tai, tổn thương lớp da ống tai tạo cơ hội cho vi trùng xâm nhập và gây bệnh.
Triệu chứng của viêm tai ngoài
Cùng giống như viêm tai giữa bệnh nhân bị viêm tai ngoài thường có triệu chứng đau tai, đặc biệt cơn đau thường tăng lên khi dùng tay kéo vành tai hay ấn vào nắp tai. Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu đặc trưng khác như cảm giác đầy tai, ngứa tai, chảy dịch ngoài cửa tai hoặc tai giảm sức nghe… Đối với một số trường hợp viêm tai ngoài nặng, bệnh nhân có thể bị sốt cao, ống tai ngoài sưng đỏ, nổi hạch vùng cổ hoặc tai chảy dịch.
Cách chữa viêm tai ngoài như thế nào?
Vậy cách chữa viêm tai ngoài cho trẻ như thế nào?
Cách chữa viêm tai ngoài hiện nay chủ yếu sử dụng thuốc nhỏ tai để ngăn chặn nhiễm trùng và làm sạch tai, giúp tai nhanh chóng hồi phục. Trường hợp bé được chẩn đoán viêm tai ngoài ác tính, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh đường uống để điều trị. Trong khi điều trị, bé cần hạn chế sử dụng tai nghe, hạn chế đi bơi, không để nước vô tai trong khi tắm bằng cách đặt cục gòn tại cửa tai.
Một trong những cách chữa viêm tai ngoài ở trẻ em là sử dụng thuốc nhỏ tai để giảm viêm và diệt khuẩn. Nếu nhiễm trùng ở giai đoạn tiến triển, bác sĩ cũng có thể kê thuốc nhỏ tai có chứa kháng sinh hoặc steroid cho bé. Mẹ cũng cần đảm bảo phải luôn giữ cho ống tai của bé được khô ráo, sạch sẽ để vi khuẩn không có điều kiện sinh sôi nảy nở.
Áp một miếng gạc nóng vào tai bé cũng có thể giúp giảm đau hiệu quả, tuy nhiên, nếu bé vẫn cảm thấy khó chịu, mẹ hãy hỏi ý kiến của bác sĩ xem có thể cho bé uống ibuprofen liều dành cho trẻ em (nếu bé trên 6 tháng tuổi) hoặc acetaminophen để giảm đau hay không.
Mẹ lưu ý là không nên cho bé uống aspirin nhé vì có thể làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye, đây là một hội chứng hiếm gặp nhưng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bé đấy.
Thông thường, nếu tuân thủ cách chăm sóc và cách chữa viêm tai ngoài đúng cách bé sẽ có dấu hiệu cải thiện trong khoảng một vài ngày, tình trạng nhiễm trùng sẽ biến mất sau khoảng 1 tuần nếu được điều trị thích hợp. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhiễm trùng vẫn không có dấu hiệu cải thiện sau từ 4-5 ngày điều trị, mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Nếu bé có các dấu hiệu như đột nhiên bị sưng mặt, đau dữ dội hay sốt, mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức để kiểm tra xem bé có bị viêm ống tai ngoài không nhé.
Phòng ngừa bệnh lý viêm tai ngoài
Ngoài việc áp dụng các cách chữa viêm tai ngoài thì việc phòng ngừa viêm tai ngoài cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với những bé có hệ miễn dịch suy yếu. Một số biện pháp phòng bệnh có thể kể đến như:
- Dùng máy sấy tóc để sấy khô nước trong ống tai sau khi bơi lội hoặc tắm.
- Không tắm/bơi ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh như ao, hồ bị ô nhiễm.
- Không dùng tăm bông hoặc vật sắc nhọn ngoáy tai, cào gãi gây trầy xước ống tai.
- Trường hợp không thể vệ sinh tai, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được rửa ống tai và giúp lấy ráy tai đúng cách.
- Tránh các tác nhân kích thích vào ống tai như keo xịt tóc, nước hoa.