Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách. Mẹ đã biết cách chăm sóc cho trẻ bị tiêu chảy như thế nào cho nhanh khỏi chưa? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy
Có khá nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy, tuy nhiên vi rút là nguyên nhân thường gặp nhất. Nếu trẻ bị tiêu chảy do vi – rút, thường sẽ có triệu chứng sốt kèm theo nôn ói trong vài ngày đầu tiên, sau đó trẻ sẽ bị tiêu chảy, cơ thể mệt mỏi.
Nếu trẻ bị tiêu chảy kèm theo những triệu chứng dưới đây, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa ngay lập tức.
- Máu trong phân
- Nôn ói thường xuyên
- Đau bụng
- Đi tiểu ít hơn bình thường (bị ướt ít hơn 6 tả/ngày)
- Không chảy nước mắt khi khóc
- Mất đi sự ngon miệng đối với các loại nước
- Sốt cao
- Tiêu chảy thường xuyên
- Miệng khô và dính
- Sụt ký
- Khát nước nhiều
Cần đặc biệt lưu ý nếu như bé có những dấu hiệu mất nước như: Giảm lượng nước tiểu, không có nước mắt khi trẻ khóc, sốt cao, khô miệng, giảm cân, khát nhiều, thờ ơ và mắt trũng.
Trường hợp trẻ bị tiêu chảy kèm theo những dấu hiệu như đi ngoài phân nhiều hơn bình thường, hay xì hơi, phân màu xanh hay vàng nhưng trông vẫn khỏe mạnh thì mẹ cũng không cần phải quá lo lắng đâu nhé!
Trẻ bị tiêu chảy bao lâu thì khỏi?
Hầu hết các trường hợp tiêu chảy nhẹ đều kéo dài từ 3 ngày đến 6 ngày, bé cũng có thể vẫn còn đi ngoài phân lỏng vài ngày sau đó, tuy nhiên miễn là bé vẫn chơi đùa bình thường thì không đáng ngại.
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy như thế nào?
- Đối với mức độ nhẹ
Nếu bé chỉ bị tiêu chảy ở mức độ nhẹ, hãy tiếp tục cho bé ăn những khẩu phần ăn như thường lệ như: sữa công thức, sữa tươi, hay sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu bé có triệu chứng phù hoặc đầy hơi sau khi uống sữa mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện để tham khảo ý kiến của bác sĩ nhé.
Hãy cho bé uống nhiều nước, nếu bé đang nôn ói, cho trẻ ăn từng lượng nhỏ thức ăn lỏng và chia làm nhiều lần. Mẹ cần lưu ý không nên cho bé sử dụng thuốc cầm tiêu chảy, vì những thuốc này không những không có tác dụng mà đôi khi còn có thể gây hại cho bé.
- Đối với tiêu chảy mức độ vừa
Trường hợp trẻ bị tiêu chảy không quá nặng, mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ đề nghị thời gian và liều lượng cho những loại dịch đặc biệt nên được sử dụng. Mẹ có thể cho trẻ bú hay ăn khẩu phần ăn như bình thường.
Những dịch đặc biệt (được gọi là dung dịch điện giải) được thiết kế để bù lại nước và muối bị mất đi trong suốt thời gian bị tiêu chảy. Rất hữu ích cho việc chăm sóc tại nhà cho các bé có mức độ từ nhẹ đến trung bình nặng.
Nếu trẻ không có dấu hiệu nôn ói, mẹ có thể tiếp tục cho trẻ uống những dung dịch điện giải này cho đến khi trẻ đi tiểu lại như bình thường.
- Trẻ bị tiêu chảy mức độ nặng
Nếu tình trạng của bé trở nên nghiêm trọng, hãy đưa bé tới bệnh viện ngay lập tức. Bé có thể sẽ được truyền dịch ở phòng cấp cứu trong vòng vài giờ để điều trị sự mất nước. Thường thì bé sẽ được về nhà ngay trong ngày.
Cách pha chế dung dịch điều trị tiêu chảy
Khi bé bị tiêu chảy, mẹ có thể pha chế dung dịch điều trị tiêu chảy cho bé như sau:
- Oresol là dung dịch tốt nhất điều trị tiêu chảy (một gói ORS có chứa: glucoza 20g, NaCl 3,5g, KCl 1,5g, NaHCO3 2,5g). Một gói oresol hòa tan hoàn toàn với một lít nước đun sôi để nguội. Nếu để dung dịch quá 24 giờ thì cần đổ đi và pha dung dịch mới.
- Nước cháo muối: một nắm gạo, một nhúm muối và 6 bát ăn cơm nước sạch (tương đương 1,2 lít nước), đun nhừ lọc qua giá cho trẻ uống dần.
- Nước gạo rang: 50g gạo rang vàng, cho một thìa gạt cà phê muối nghiền nát với một lít nước sôi để nguội, cho trẻ uống dần.
Cách cho uống: - Trẻ dưới 2 tuổi cho uống ít một bằng thìa. Với trẻ lớn hơn có thể cho uống từng ngụm nhỏ. Nếu trẻ nôn, đợi 10 phút sau rồi tiếp tục cho uống, nhưng cho uống chậm hơn, uống từng thìa cách nhau 2-3 phút.
- Sau 4 giờ đánh giá lại tình trạng mất nước: nếu có các dấu hiệu nặng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị phục hồi nước và điện giải