Máu nhiễm mỡ là gì?
Mỡ máu bao gồm 2 loại chính là cholessterol và triglycerit, trong đó cholesterol gồm có cholesterol tốt (cholesterol cao), cholesterol xấu (cholesterol thấp), và cholesterol toàn phần, chiếm tỉ lệ rất cao (60 - 70%). Cholesterol là một chất béo có ở màng tế bào của tất cả các mô tổ chức trong cơ thể và được vận chuyển trong huyết tương của con người.
Phần lớn cholesterol được gan tổng hợp nên từ các chất béo bão hòa, một phần nhỏ cholesterol được hấp thu từ thức ăn như: trứng, sữa, não, thịt đỏ (thịt bò, thịt chó, ngan, dê, cứu), mỡ động vật, lòng lợn, lòng bò, tôm. Đặc điểm của cholesterol kém tan trong nước, nó không thể tan và di chuyển trong máu mà phải nhờ vào lipoprotein (lipoprotein là một chất do gan tổng hợp ra và tan trong nước mang theo cholesterol). Cholesterol rất cần cho sự hoạt động của màng các tế bào trong cơ thể, cần cho sự hoạt động của cơ thể để sản xuất ra một nội tiết tố và cholesterol cũng là thành phần rất quan trọng của muối mật. Cholesterol tốt (HDL-C) có vai trò làm cho thành động mạch mềm mại để lưu thông máu tốt hơn và có khả năng bảo vệ thành mạch máu, trong khí đó cholesterol xấu (LDL- C) làm cho xơ vữa thành động mạch.
Cholesterol toàn phần trong máu bình thường có chỉ số < 5,2mmol/l, khi chỉ số này tăng trên 5,2mmol/lít là bắt đầu cao. Với loại HDL-C chỉ số trong máu ở người bình thường là ≥ 0,9mmol/l, chỉ số này càng cao càng tốt. Với loại LDL-C trong máu người bình thường có chỉ số là dưới 3,4mmol/l, khi chỉ số này vượt quá trên 3,4 mmol/l, được gọi là cao.
Triglycerit là chất do dư thừa của axít béo không được chuyển thành cholesterol ở gan (khi chất axít béo loại tự do được hấp thu qua gan sẽ được chuyển thành cholesterol, nếu lượng axít béo bị dư thừa sẽ trở thành triglycerit). Tại gan chất triglycerit sẽ kết hợp với chất apoprotein (do gan sản xuất ra) và được đưa ra khỏi gan dưới dạng lipoprotein có tỉ trọng thấp.
Khi triglycerit máu trên 2,26 mmol/l được gọi là triglycerit cao. Khi tăng cả cholesterol xấu và triglycerit, được gọi là tăng mỡ máu hỗn hợp.
Máu nhiễm mỡ, nguyên nhân do đâu?
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nguyên nhân máu nhiễm mỡ chủ yếu do ăn uống không điều độ, ăn nhiều đạm động vật, chất béo bão hòa, nhiều đường bột, ăn ít hoa quả và lười vận động, nhất là dân trí thức, văn phòng.
Ngoài ra quá trình học tập căng thẳng, làm việc áp lực cao không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý sẽ gây căng thẳng stress từ đó dẫn đến hiện tượng rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, mỡ tích tụ nhưng không được chuyển hóa thành năng lượng về lâu dài sẽ dẫn đến các bệnh về tim mạch, máu nhiễm mỡ.
Người gầy, suy dinh dưỡng vẫn có thể bị máu nhiễm mỡ. Khi cơ thể thiếu chất cũng đồng nghĩa với việc thiếu một số chất cần thiết để thanh lọc bớt mỡ, người ăn ít hay ăn kiêng quá mức sẽ khiến lượng đường trong máu thấp khi đó cơ thể sẽ tự điều chỉnh tăng hấp thu mỡ để phân giải thành năng lượng, nếu lười vận động mỡ sẽ tích tụ mà không được chuyển hóa, axit béo đi vào máu nhiều, vượt quá mức cho phép sẽ gây ra mỡ máu!
Máu nhiễm mỡ gây tác hại gì cho sức khỏe?
Cholesterol xấu càng cao càng làm cho xơ vữa động mạch, từ đó sẽ hạn chế lưu thông máu, thậm chí tạo điều kiện cho việc hình thành cục máu đông hoặc các mảng xơ vữa bong ra gây tắc mạch, nhất là tắc mạch vành (nhồi máu cơ tim) hoặc tắc mạch não (nhũn não) gây đột quỵ.
Với loại triglycerit, khi nào có sự mất cân bằng giữa lipit vào gan và lipit ra khỏi gan, mỡ sẽ tích lại trong gan, tức là triglycerit tăng sẽ gây nên gan nhiễm mỡ. Gan bị nhiễm mỡ sẽ hạn chế chức năng sản xuất ra chất apoprotein do đó sẽ làm cho lượng axít béo vào gan quá lớn càng làm cho gan nhiễm mỡ nặng hơn. Gan nhiễm mỡ từ nhẹ dẫn đến nặng và cuối cùng là xơ gan. Bệnh xơ gan cho đến nay chưa có thuốc đặc hiệu để chữa trị. Ngoài ra, nếu tăng quá cao triglycerit máu, sẽ có nguy cơ gây viêm tụy cấp tính.
Điều trị bệnh máu nhiễm mỡ thông qua chế độ ăn uống và tập luyện.
Ngoài việc dùng thuốc thì các thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày góp phần quan trọng để hạn chế bệnh máu nhiễm mỡ. Khi mỡ máu cao, bạn nên ăn nhiều rau củ quả tươi và nếu có điều kiện thì ép nước uống. Ăn hải sản, cá, chế biến thức ăn với các loại dầu ôliu, mè, đậu nành thay bằng mỡ động vật. Nên uống nhiều nước. Để hạn chế máu nhiễm mỡ thì không nên ăn nhiều món ăn chiên, xào. Không ăn thức ăn có hàm lượng cholesterol cao như óc lợn, da động vật, nội tạng động vật. Hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, nước trái cây đóng hộp... Không hút thuốc lá, uống rượu bia. Ngoài ra, bạn nên kiểm tra mỡ máu định kỳ và theo hướng dẫn của bác sĩ. Tích cực tiết chế và vận động với những môn thể thao thích hợp với lứa tuổi và sức khỏe của bản thân